Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

Người giàu để tiền ở đâu?

Một trong những lý do tại sao giới siêu giàu ngày càng giàu có hơn là vì họ biết đích xác chỗ đặt tiền của mình vào.
Giới siêu giàu, chiếm khoảng 1% dân số thế giới tích luỹ được nhiều tiền đến nỗi tiền mặt và tài sản của họ hiện chiếm 48% của cải toàn cầu. Các phân tích gia nói rằng, đến năm 2016, số tài sản nhỏ sẽ nở ra tương đương với hơn một nửa tiền và của cải của tất cả những người không thuộc vào nhóm giàu có cộng lại.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa 52% số của cải còn lại trên toàn cầu được phân chia cho các công dân có thu nhập trung bình. Theo Oxfam, hầu hết 52% số tài sản còn lại nằm trong két của người giàu, đối tượng chiếm 20% dân số thế giới.

Của cải của những người giàu nhất thế giới, đối tượng chiếm khoảng 1% dân số, hiện tương đương 50% của cải toàn cầu.
Phần còn lại, khoảng 80% dân số, sở hữu chỉ 5,5% tài sản thế giới. Bình quân mỗi người lớn sở hữu 3.851 USD, chỉ bằng 1/700 số tài sản của những người nằm trong nhóm 1% ở trên.

Winnie Byanyima, giám đốc điều hành tổ chức Oxfam International, cho biết phạm vi sự không đồng đều trên toàn cầu rất đáng kinh ngạc. Bất chấp những lời kêu gọi xoá đói giảm nghèo, khoảng cách giàu nghèo mỗi năm ngày một lớn.

Bài nghiên cứu của Oxfam dưới đây sẽ làm sáng tỏ cách thức giới siêu giàu đầu tư tiền. Theo Oxfam, một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm góp phần tích luỹ nên tài sản của các tỷ phú.

Lĩnh vực tài chính

Theo báo cáo, một số tỷ phú giàu nhất thế giới như Warren Buffett, George Soros hay Michael Bloomberg đã đầu tư tiền vào khu vực tài chính và bảo hiểm, đưa số tài sản tích luỹ của họ tăng 15%/năm, từ 1 nghìn tỷ USD lên 1,6 nghìn tỷ USD.

Tháng 3/2014, 321 tỷ phú nằm trong nhóm 20% người giàu nhất hành tinh được liệt kê có một phần tài sản được đầu tư vào các lĩnh vực tài chính và bảo hiểm.

Dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ

Các tỷ phú khác, gồm Ludwig Merckle đến từ Đức và Dilip Shanghvi (Ấn Độ) đều tham gia vào lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ. Lợi nhuận ròng của họ tăng tới 47%. Riêng tài sản của tỷ phú Merckle tăng đột biến trong một năm (21%), từ 7,1 tỷ USD vào năm 2013 lên 8,6 tỷ USD vào năm 2014.

“Vận động hành lang” rầm rộ

Các doanh nhân, nhất là những người làm việc ở nhiều thị trường như Mỹ, đã chi một lượng lớn tài sản cho các quan chức chính phủ có tầm ảnh hưởng để lách luật hoặc làm điều gì đó để bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo Oxfam, năm 2013, khu vực tài chính chi hơn 400 triệu USD cho các cuộc “vận động hành lang” ở riêng nước Mỹ. Trong Liên minh châu Âu, những người vận động hành lang đã chi 150 triệu USD một năm cho các tổ chức ở EU. Cũng trong năm này, khoảng 487 triệu USD được lo lót phục vụ cho lĩnh vực dược phẩm và chăm sóc sức khoẻ ở Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn đang tranh cãi xung quanh báo cáo của Oxfam, nhất là vấn đề bất bình đẳng hoặc các tuyên bố một tỷ lệ lớn tài sản của thế giới đang ngày càng được tập trung trong tay một số người siêu giàu.

Ryan Bourne, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách của Anh, cho rằng tuyên bố của Oxfam về chia sẻ sự giàu có dựa trên tài sản ròng sẽ gây ít nhiều hiểm nhầm.

“Oxfam đang dùng phép nguỵ biện với những con số. Những người siêu giàu hoàn toàn không liên quan đến hàng trăm triệu người đang nỗ bực bứt ra khỏi đói nghèo. Những điều này còn liên quan đến việc tăng thu nhập do môi trường chính sách trong nước được cải thiện như ở Trung Quốc và Việt Nam”, ông Bourne nói.

“Rất ít người chấp nhận ý kiến cho rằng, một người nào đó ở một đất nước phương Tây giàu có là một trong những người nghèo nhất thế giới. Nhưng điều này chính xác là những ẩn ý thuộc về báo cáo của Oxfam.

Đáng buồn thay, vẫn còn hàng tỷ người sống ở những nước đói nghèo có nền kinh tế rối loạn. Thay vì tập trung vào 1% số người siêu giàu, chúng ta nên khuyến khích các chính sách như thương mại tự do, mở cửa thị trường, ổn định thị trường bất động sản, loại bỏ tham nhũng. Một số nước ở châu Á đã tạo nên những phép màu tăng trưởng nhờ những chính sách tốt”, chuyên gia Bourne cho hay.

Một số tỷ phú giàu nhất thế giới đầu tư vào lĩnh vực tài chính:

Warren Buffett (Mỹ)
Thu nhập từ: Berkshire Hathaway
Tài sản năm 2014: 58,2 tỷ USD
Tài sản tăng từ năm 2013 - 2014: 9%

Michael Bloomberg (Mỹ)
Thu nhập từ: Bloomberg LP
Tài sản năm 2014: 33 triệu USD
Tài sản tăng từ 2013-2014: 22%

George Soros (Mỹ)
Thu nhập: quỹ Hedge
Tài sản năm 2014: 23 tỷ USD
Tài sản tăng từ 2013-2014: 20%

Tỷ phú đầu tư vào dược phẩm, y tế:

Dilip Shanghvi (Ấn Độ)
Thu nhập: Dược phẩm
Tài sản năm 2014: 12,8 tỷ USD
Tài sản tăng từ 2013-2014: 36%

Ludwig Merckle (Đức)
Thu nhập: Dược phẩm
Tài sản năm 2014: 8,6 tỷ USD
Tài sản tăng từ 2013-2014: 21%

Stefano Pessina (Italy)
Thu nhập: cửa hàng dược phẩm
Tài sản năm 2014: 10,4 tỷ USD
Tài sản tăng từ 2013-2014: 63%

Gayle Cook (Mỹ)
Thu nhập: Thiết bị y tế
Tài sản năm 2014: 5,8 tỷ USD
Tài sản tăng từ 2013-2014: 45%

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét