Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

12 cách xây dựng mối quan hệ trong kinh doanh

Trong kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, định hình mối quan hệ là cách được ưa chuộng nhất để có thể bán sản phẩm. Một mối quan hệ vững chắc sẽ mang đến một đối tác cùng phát triển kinh doanh bền vững trong tương lai.

12 cách xây dựng mối quan hệ trong kinh doanh
12 cách sau sẽ giúp bạn có thể xây dựng mối quan hệ trong lĩnh vực đang kinh doanh.
1. Biến khách hàng trở thành đối tác thông qua các khoản tiền hoa hồng. Khi khách hàng tốt nhất của bạn trở thành người giới thiệu cho thương hiệu của bạn, mang đến cho bạn nhiều khách hàng hơn thì đó là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang được chăm sóc tốt.
2. Cung cấp chính sách chiết khấu hợp lý cho các đối tác kinh doanh. Tương tự với khách hàng, trên quy mô doanh nghiệp, khi đối tác có được lợi ích từ việc kinh doanh của bạn phát triển, họ sẽ trở thành người giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của bạn đến các khách hàng khác.
3. Hợp tác với một doanh nghiệp sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ khác. Bằng cách nhân đôi các giá trị khách hàng chung, cả hai doanh nghiệp sẽ cùng hưởng lợi từ việc hợp tác này.
4. Đầu tư thấp nhưng dài hạn cho chiến dịch bán hàng. Tổng thể các thư điện tử, quảng cáo báo in, bán hàng qua điện thoại, gửi email trực tiếp và những kênh marketing khác là điều bạn cần đầu tư để đội ngũ bán hàng của bạn có thể duy trì mối liên hệ với khách hàng. Điều này về lâu dài sẽ gia tăng lợi nhuận cho công ty.
5. Định kỳ tổ chức các chương trình khen thưởng nhân viên và khuyến mãi cho khách hàng trung thành. Đây là cách dễ dàng nhất để gia cố các mối quan hệ hiện tại.
6. Tài trợ cho các sự kiện cộng đồng để mở rộng độ phủ của thương hiệu công ty bạn.
7. Tổ chức các sự kiện giao thương và mời các gương mặt có ảnh hưởng trong ngành công nghiệp đang kinh doanh tham gia. Vai trò tổ chức mang đến cho bạn cơ hội để tiếp cận với những đối tác lớn, thuyết phục họ về sản phẩm/dịch vụ của công ty.
8. Thường xuyên thu thập các phản hồi từ phía khách hàng. Mối quan hệ của bạn với người sử dụng chỉ có thể phát triển khi khách hàng nhận được nhiều giá trị hơn so với số tiền họ bỏ ra. Để có được điều này, doanh nghiệp phải hiểu được khách hàng của mình.
9. Mở rộng dịch vụ chăm sóc khách hàng qua nhiều kênh khác nhau. Bên cạnh việc tư vấn dịch vụ qua email hoặc điện thoại, việc trả lời nhanh các phản hồi, thắc mắc của khách hàng trên các mạng xã hội cũng là điều doanh nghiệp nên quan tâm.
10. Xem xét việc mở rộng hệ thống dịch vụ chăm sóc khách hàng đa ngôn ngữ, đa văn hóa khi công ty của bạn bắt đầu mở rộng thị trường sang các quốc gia khác.
11. Nghiên cứu các dữ liệu kinh doanh cũ và tập trung nuôi dưỡng cho những mối quan hệ tốt nhất bạn đang có. Bạn có thể chọn ra được các đối tác quan trọng này thông qua việc xem xét các thông tin kinh doanh trước đây của công ty. Các đối tác này nên được đưa lên vị trí ưu tiên nhất trong gia cố mối quan hệ.
12. Tuy nhiên, tránh bỏ rơi những mối quan hệ mang đến ít lợi nhuận hơn. Nếu bạn không quan tâm đến các đối tác này, họ sẽ có khả năng trở thành người tạo ra tiếng xấu cho doanh nghiệp của bạn.

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

7 lỗi lớn nhất bạn sẽ mắc phải khi được làm lãnh đạo (P.2)

Càng nhiều thời gian trên vị trí lãnh đạo, bạn sẽ càng học hỏi được điều gì nên làm và không nên làm cho đội ngũ của mình.

7 lỗi lớn nhất bạn sẽ mắc phải khi được làm lãnh đạo (P.2)
Trong khi phong cách lãnh đạo của mỗi người là duy nhất và không có con đường nào là hoàn hảo thì có những sai lầm lớn mà phần lớn ai cũng có thể mắc phải. 7 lỗi mà hầu hết các nhà lãnh đạo mắc phải: Giữ lại những phản hồi, Không làm rõ tầm nhìn, Không hiểu động lực thực sự của mỗi nhân viên, Không nắm rõ những điểm mạnh và điểm yếu của đội bạn, Thiếu một cấu trúc mục tiêu, Là người lạnh lùng và Cố gắng tự mình làm mọi thứ.
Thiếu một cấu trúc mục tiêu
Lãnh đạo là việc dẫn dẵn trực tiếp những cá nhân đối tới một loạt các thành tích. Nếu những thành tựu lý tưởng không được xác định, nhóm của bạn sẽ không biết họ đang làm vì điều gì và công việc của họ trở nên mơ hồ, khó khăn.
Thiết lập một tầm nhìn tổng thể là một trong những yếu tố của cấu trúc này nhưng bạn cũng cần một hệ thống các mục tiêu rõ ràng. Điều này có nghĩa là có một mục tiêu lớn, mục tiêu trung tâm, những mục tiêu nhỏ hơn, chuỗi mục tiêu gia tăng và những mục tiêu trung gian ở giữa. Khi nhóm của bạn dành được một mục tiêu, hãy ăn mừng và tiếp tục tiến lên. Nếu thất bại, hãy điều tra, cân nhắc lại tại sao và làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu tiếp sau đó. Cấu trúc này sẽ giữ cho đội ngũ của bạn đi đúng hướng, là xương sống cho tất cả các công việc nội bộ của bạn và những nỗ lực cá nhân.
Là người lạnh lùng
Có những người tranh cãi rằng cá tính này là thứ không ảnh hưởng nhiều đến sự thành công trong thế giới công việc. Tuy nhiên là một nhà lãnh đạo vô cảm có thể có ảnh hưởng bất lợi cho đối với đội ngũ của bạn. Nếu bạn đang xem là lạnh lùng hoặc vô tình, các thành viên trong nhóm của bạn sẽ bị đe dọa bởi chính bạn và có thể cảm thấy rằng họ không thể là mối quan tâm quan trọng của bạn. Từ đó họ cảm thấy không có giá trị.
Giải pháp giải quyết vấn đề này là trở nên thân thiện với đội ngũ của bạn. Hãy hỏi xem họ đang làm gì, trở nên cởi mở và hài hước. Đừng cố gắng biến tất cả thành viên trong nhóm thành những người bạn tốt nhất của bạn nhưng hãy tích cực trau dồi mối quan hệ với mọi người trong văn phòng.
Cố gắng tự mình làm mọi thứ
Đây là một vấn đề phổ biến với các lãnh đạo, đặc biệt là những người mới lần đầu trên vị trí này. Một động lực phổ biến cho cố gắng này là bạn có niềm tin bản thân mình là người duy nhất có khả năng xử lý các nhiệm vụ chính. Bạn có thể nhìn nhận những nhân viên không thể xử lý do thiếu kinh nghiệm hoặc khả năng của họ. Tuy nhiên, nếu điều này là đúng thì bạn đang có vấn đề lớn về nền tảng đội ngũ.
Bạn cần xây dựng một nhóm mà bạn có thể tin tưởng để giao các nhiệm vụ. Bạn có một đội ngũ và điều quan trọng là phải tối ưu họ. Nếu bạn không thể, bạn cần phải có một chiến dịch tái cơ cấu. Tuy nhiên trước khi thực hiện bất cứ hành động nào như sa thải, hãy nhìn sâu vào bản thân bạn và tự hỏi liệu có phải đơn thuần bạn đang níu giữ hết mọi việc vì lo sợ sự phân quyền.
Bạn sẽ không bao giờ có một nhà lãnh đạo hoàn hảo, và bạn sẽ không bao giờ có một đội bóng hoàn hảo. Hãy nhận thức những thói quen và tính cách của chính mình và điểu chính chúng nhằm tránh mắc những sai lầm trên. Bạn dành càng nhiều thời gian trên vị trí lãnh đạo, bạn sẽ càng học hỏi được điều gì nên làm và không nên làm cho đội ngũ của mình.

7 lỗi lớn nhất bạn sẽ mắc phải khi được làm lãnh đạo (P.1)

Trong khi phong cách lãnh đạo của mỗi người là duy nhất và không có con đường nào là hoàn hảo thì có những sai lầm lớn mà phần lớn ai cũng có thể mắc phải.

7 lỗi lớn nhất bạn sẽ mắc phải khi được làm lãnh đạo (P.1)
Nội dung nổi bật:
Bạn sẽ không bao giờ có một nhà lãnh đạo hoàn hảo, và bạn sẽ không bao giờ có một đội bóng hoàn hảo. Trong khi phong cách lãnh đạo của mỗi người là duy nhất và không có con đường nào là hoàn hảo thì có những sai lầm lớn mà phần lớn ai cũng có thể mắc phải.
- Sau đây là 7 lỗi mà hầu hết các nhà lãnh đạo mắc phải: Giữ lại những phản hồi, Không làm rõ tầm nhìn, Không hiểu động lực thực sự của mỗi nhân viên, Không nắm rõ những điểm mạnh và điểm yếu của đội bạn, Thiếu một cấu trúc mục tiêu, Là người lạnh lùng và Cố gắng tự mình làm mọi thứ.

Làm nhà lãnh đạo là một con đường khó khăn đặc biệt với những nhà lãnh đạo mới, đây có thể trở thành điều đáng sợ. Trong khi phong cách lãnh đạo của mỗi người là duy nhất và không có con đường nào là hoàn hảo thì có những sai lầm lớn mà phần lớn ai cũng có thể mắc phải. Cách tốt nhất để bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc là tránh mắc những sai lầm lớn nhất sau hoặc nếu có vấp phải thì hãy học hỏi được nhiều thứ từ nó.
Giữ lại những phản hồi
Những nhà lãnh đạo tồn tại để mang đến thông tin phản hồi. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ là người có kinh nghiệm nhất hay am hiểu nhất trong nhóm, và là người sẽ được cấp dưới, nhân viên của bạn tìm đến nhờ trợ giúp, góp ý. Đây là vai trò rất quan trọng bạn cần lưu ý nếu bạn muốn nuôi dưỡng đội ngũ của mình tốt nhất và của bạn và loai bỏ bất kỳ vấn đề nào ngay từ trong trứng nước.
Những cạm bẫy tiềm năng lớn nhất ở đây nằm trong niềm kiêu hãnh cá nhân. Nhiều nhà lãnh đạo e ngại rằng đem đến cho nhân viên của họ phản hồi tiêu cực sẽ làm hại động cơ của họ hoặc làm cho họ bực bội. Tuy nhiên có một điều ngược lại là đưa ra phản hồi tiêu cực theo cách tích cực có thể khuyến khích sự tự tin cũng như hiệu suất, miễn là bạn luôn chú ý theo dõi và ghi nhận những cải thiện sau đó. Nếu bạn muốn đội ngũ của mình hoạt động tốt nhất, bạn phải có mặt để hướng dẫn họ, phản hồi tiêu cực theo cách tích cực.
Không làm rõ tầm nhìn của bạn
Trên cương vị nhà lãnh đạo của nhóm, trách nhiệm của bạn là thiết lập và củng cố một tầm nhìn. Trong một số trường hợp, điều này có thể là tầm nhìn với toàn bộ công ty, trong trường hợp khác, nó có thể chỉ là một tầm nhìn cho chiến dịch đơn giản. Quy mô không phải là vấn đề, tầm nhìn của bạn sẽ thiết lập giai điệu làm việc cho cả nhóm và nếu bạn mắc, toàn bộ đội ngũ sẽ đi xuống.
Thậm chí nếu bạn chỉ định và giao những nhiệm vụ tới từng cá nhân sẽ giúp tầm nhìn của bạn trở thành hiện thực. Nếu nhân viên của bạn không thể nhìn thấy các tác động rộng hơn về trách nhiệm cá nhân của họ, họ có thể trở nên mất động lực hoặc vô tình đi chệch khỏi kế hoạch của bạn.
Không hiểu động lực thực sự
Tất cả các nhà lãnh đạo đều hiểu khích lệ, động viên là trách nhiệm của họ với đội ngũ không phải ai cũng có thể hiểu được động lực không giống nhau cho mọi đội ngũ. Một vài nhân viên sẽ được thúc đẩy bởi tiền bạc, tăng lương hay tiền thưởng, một số khác lại là những lời khen ngợi, sự khích lệ cá nhân từ cấp trên. Lại có những người được thúc đẩy bởi thách thức, mục tiêu hay sức mạnh của cả đội ngũ.
Là người đứng đầu, bạn cần hiểu động lực thực sự của từng cá nhân trong nhóm và mang lại động lực cho từng cá nhân trong dự án hay chiến dịch của bạn.
Không nắm rõ những điểm mạnh và điểm yếu của đội bạn
Tất cả các đội ngũ đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Mục tiêu của bạn không phải là xây dựng một đội ngũ chỉ có những điểm mạnh bởi đơn giản đây là điều không thể xảy ra. Thay vào đó, mục tiêu của bạn nên là có một cách hiệu quả những điểm mạnh và điểm yếu của đội ngũ mình lãnh đạo.
Ví dụ, hãy ghép những thành viên trong nhóm theo khả năng bổ trợ của họ. Nếu bạn nhận thấy một cá nhân có kỹ năng tiếp thị truyền thông xã hội tốt nhưng lại kém về kỹ năng viết lách, hãy lấp đầy bằng một tay viết cừ khôi của bạn. Ngược lại nếu bạn nhận ra tay viết xuất sắc của bạn không nắm bắt được những chủ đề hay, hãy nhờ một chuyên gia phân tích SEO giúp người này. Hãy sử dụng chính các thành viên trong nhóm để khích lệ tốt nhất mọi thành viên trong đội ngũ của bạn.

Thay thói quen, đổi đời

Bạn đang tích lũy nhiều thói quen xấu, và đó chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều thất bại trong cuộc sống, công việc. Thay đổi chúng, cuộc đời của bạn sẽ chuyển bại thành thắng.

Thay thói quen, đổi đời
1. Sau thất bại, hãy luôn bắt đầu lại
Tập bỏ dần những thói quen xấu và cố gắng kiên nhẫn đến cùng dù quá trình thực hiện khó khăn và thất bại. Ví dụ, bỏ hút thuốc lá là một việc rất khó khăn và chắc chắn bạn sẽ thất bại rất nhiều lần, trước khi thực sự bỏ được những điếu thuốc đầy quyến rũ.
Thế nhưng, một khi bạn đã thành công, bạn sẽ nhận thấy sức khỏe được cải thiện, tiết kiệm được một khoản tiền kha khá. Và bây giờ, bạn đã hình thành một thói quen tốt hơn, khó bị phá vỡ hơn.
Vì vậy, khi bạn đặt ra mục tiêu để thay đổi thói quen xấu của mình, và cam kết với chính mình rằng – tôi không muốn thất bại – bạn sẽ có thêm sức mạnh và động lực. Trong trường hợp thất bại, bạn có thể một lần nữa cố gắng trở lại càng sớm càng tốt.
2. Xác định các tín hiệu của bạn
Trước khi những hành động xấu có thể trở thành thói quen, chúng đều có những dấu hiệu báo trước cho bạn: chúng từ đâu đến.
Nếu bạn nhận ra, bỗng dưng bạn chi tiêu, ăn uống, mua sắm, uống rượu… quá mức cần thiết, bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân. Có thể bạn đang căng thẳng, mệt mỏi, chán nản… và tìm đến chúng như một cách giải tỏa.
Một khi đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến thói quen xấu, bạn có thể tìm được cách ngăn chặn chúng trước khi mọi thứ tệ đi.
3. Phá vỡ thói quen xấu bằng thói quen tốt
Thật khó khăn để thay đổi những thói quen xấu ngay lập tức. Thậm chí, bạn sẽ mệt mỏi, chán nản nếu trong đầu luôn ám ảnh những khẩu hiệu: “Phải giảm cân”, “Bỏ hút thuốc”, “Không đi làm trễ”.
Bí quyết để bạn đi qua những ám ảnh này là bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến những thói quen tốt, lành mạnh. Những suy nghĩ tích cực sẽ cho bạn thêm động lực, sự hứng khởi thay vì mệt mỏi khi nghĩ về những khuyết điểm của mình.
Ví dụ, bạn có thể nghĩ “chạy bộ buổi sáng” thay vì “ Phải giảm cân”; “nhai kẹo cao su” thay vì “phải bỏ thuốc lá”, “thức dậy sớm” thay vì “không đi làm trễ”.
Sẽ mất khá nhiều nỗ lực trong vài ngày đầu tiên, nhưng sau một thời gian những thói quen mới sẽ tự động được thực hiện để thay thế những thói quen xấu cũ.
4. Thay đổi môi trường, tạo động lực cho chính mình
Để thay đổi những thói quen không tốt, ý chí thôi chưa đủ. Những người thường tuyên bố về quyết tâm của mình lại thường thất bại rất nhanh.
Bạn cần có những phương pháp cụ thể hơn để thay đổi thói quen của mình: đó là thay đổi môi trường.
Ví dụ, một người sẽ bỏ hút thuốc dễ dàng hơn khi có một công việc mới. Khi có một lịch trình mới, chỗ làm mới, không còn ngồi cùng phòng với những người hút thuốc, nơi làm việc cấm hút thuốc lá, hay đơn giản từ văn phòng của bạn đến chỗ có bán thuốc lá quá xa, bạn đã được tiếp thêm sức mạnh, sự thuận lợi để bỏ thuốc.
Nếu bạn đang cố gắng để cải thiện việc ăn uống, có lẽ bước quan trọng nhất là tránh xa những món ăn vặt; không đi mua sắm khi đói bụng...
Nếu muốn tập thể dục buổi sáng, bạn có thể tự tạo điều kiện thuận lợi cho mình: mua bộ đồ thể thao thật đẹp, khiến bạn muốn mặc chúng ra đường vào sáng sớm, để chúng ở nơi bạn dễ thấy và mặc chúng.
Sau đó, bạn chỉ cần chắc chắn, mỗi ngày, vào đúng giờ đã định bạn sẽ bắt đầu tập thể dục. Chính sự lặp đi lặp lại đều đặn đó sẽ tạo thành thói quen tốt cho bạn, như bạn phải đánh răng, rửa mặt vào buổi sáng vậy.
5. Vạch trần những giả định sai của bạn
Những giả định sai sẽ góp phần củng cố những thói quen xấu. Có phải chúng ta thường nói với bản thân những câu như:
- “Tôi đang rất căng thẳng. Tôi cần một điếu thuốc để lấy lại bình tĩnh”
- “Ngày trả nợ còn rất xa. Sẽ chẳng có vấn đề gì đâu”
- “Tôi có tập thể dục thì cũng sẽ luôn béo ú và lười biếng”
- “Tôi đã thất bại nhiều lần trước đó rồi, và tôi sẽ chỉ thất bại thêm một lần nữa thôi”
Sự thật là những câu nói có vẻ rất hợp lý này đều không đúng sự thật. Đó là những nhận định sai lầm khiến tiềm thức của bạn chấp nhận những thói quen đó như một thực tế không bao giờ có thể thay đổi được.
Để thay đổi những điều đó, bạn có thể tự nói với mình những điều tích cực hơn như:
- Có 85% người không hút thuốc và họ đã tìm ra cách khác để đối phó với sự căng thẳng.
Bỏ những giả lập sai về việc hút thuốc, uống rượu, dùng chất kích thích giúp bạn từ bỏ thói quen xấu doanhnhansaigon
Bỏ những giả lập sai về việc hút thuốc, uống rượu, dùng chất kích thích giúp bạn từ bỏ thói quen xấu
- Vấn đề không phải là bạn đang nợ bao nhiêu, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu trả trước một phần nợ mình đang vay. Việc đó cũng sẽ không làm bạn quá căng thẳng hay thiếu hụt ngay lập tức.
- Bất cứ ai cũng có thể đứng lên khỏi chiếc ghế và bắt đầu đi bộ. Bạn không cần phải trở thành một vận động viên Olympic để trở nên năng động hơn.
- Bạn có thể thất bại 100 lần miễn là bạn thành công một lần. Như vậy là đủ.

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

2015, tìm đâu ra nhà tuyển dụng nào thật sự "khỏe mạnh"?

Đâu sẽ là phương pháp để bạn khám sức khỏe nhà tuyển dụng một cách chính xác?

2015, tìm đâu ra nhà tuyển dụng nào thật sự "khỏe mạnh"?
Chọn nơi làm việc cũng giống như bạn chọn cho mình một người bạn đời để cùng gắn bó trên bước đường sự nghiệp tương lai. Vì thế chẳng thể hời hợt, bạn càng phải quan tâm đến sức khỏe của họ trước khi ký vào bản đăng ký “kết hôn” nghề nghiệp, để có thể đảm bảo đây là ngôi nhà đem lại cho bạn sự thoải mái và thành công. Vậy đâu sẽ là phương pháp để bạn khám sức khỏe nhà tuyển dụng một cách chính xác?
Xét nghiệm lâm sàng
Ngoài đáp ứng nhu cầu cơ bản về lương, thưởng, nhà tuyển dụng có thể mang lại nhiều giá trị khác như tạo nhiều cơ hội phát triển hay môi trường làm việc để người đi làm có thể tìm được niềm vui và gắn bó với công việc lâu dài. Vậy nên, khi đánh giá một nơi làm việc, ngoài lương, phúc lợi, bạn đừng bỏ qua những yếu tố mang giá trị vô hình khác. Như vậy, một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát cho nhà tuyển dụng là cần thiết đối với người đi làm.
Thông qua việc thực hiện đầy đủ các xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên sâu sẽ cung cấp cho bạn một bệnh án chi tiết về điểm mạnh điểm yếu trong chính công ty đó. Những xét nghiệm này bạn có thể thực hiện trên nhiều hình thức khác nhau như tham gia các khảo sát về nhân sự. Bạn có thể tham khảo 46 tiêu chí đánh giá thương hiệu nhà tuyển dụng do Anphabe cung cấp.
Tham khảo ý kiến “bác sĩ”
Ngoài các xét nghiệm mang tính định lượng, bạn có thể tận dụng những mối quan hệ cá nhân để khám nhà tuyển dụng theo phương pháp định tính. Chẳng hạn như đo huyết áp, nghe nhịp tim của nhà tuyển dụng bằng những câu hỏi thông minh cho những người bạn cần tham khảo ý kiến cũng là phương pháp giúp bạn khai thác được nhiều thông tin giá trị.
Hãy thử với một số câu hỏi gợi mở như Đâu là yếu tố giữ chân bạn ở lại công ty này lâu như vậy? Nếu nghỉ việc tại công ty điều gì làm bạn nhớ nhất? Hay công ty đã làm gì giúp bạn đạt được mục tiêu nghề nghiệp cho đến hôm nay?.... Những thông tin do chính nhân viên của công ty cung cấp sẽ là nguồn tin đáng tin cậy đem lại cho bạn một bảng báo cáo báo sức khỏe chính xác và phong phú hơn.
Chuẩn đoán
Bây giờ bạn đã có trong tay thông tin tương đối đầy đủ và đa chiều về những nhà tuyển dụng mà bạn mong muốn. Kết quả là ai cũng có điểm cộng và điểm trừ. Đây là câu chuyện không mới nhưng chẳng bao giờ cũ. Vậy, trên kết quả khám tổng quát đó, bạn hãy đối chiếu với định hướng nghề nghiệp mà bạn đã hoạch định sẵn cho mình, chọn ra những điểm mạnh tương thích với yêu cầu và những điểm yếu mà bạn tin mình có thể chấp nhận được. Với từng bước khám và chuẩn đoán rõ ràng như vậy, hy vọng việc xác định và lựa chọn nơi làm việc tốt nhất sẽ không còn quá khó khăn.
Cuộc sống có biết bao đổi thay nhưng đừng vì thế mà lãng quên những người thầy trong cuộc đời mình. Chỉ cần vài phút điện thoại hỏi thăm, một buổi cà phê trò chuyện hay một dòng tin nhắn chúc mừng trong dịp đặc biệt cũng đủ giúp bạn thay lời muốn nói.

6 bí quyết phỏng vấn để tuyển dụng người tài

Sự thành công của buổi phỏng vấn không chỉ gói gọn trong những câu hỏi sâu về chuyên môn. 6 lưu ý được chia sẻ trên INC dưới đây sẽ giúp các giám đốc nhân sự hiểu được cách thức tuyển dụng và xây dựng một đội ngũ nhân viên mạnh.

6 bí quyết phỏng vấn để tuyển dụng người tài
1. Đặt ra tiêu chuẩn cao
Những ứng viên giỏi nhất thường mong đợi một cuộc phỏng vấn sâu mà trong đó các câu hỏi có thể giúp nêu bật lên những điểm mạnh của họ và đáp ứng một cách rõ ràng những yêu cầu từ phía nhà tuyển dụng.
Những câu hỏi này bên cạnh xác định các ứng viên tiềm năng, chúng còn chứng minh cho ứng viên thấy tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp.
Những câu hỏi hời hợt, chủ quan hoặc vướng lỗi lập luận sẽ làm ứng viên đánh giá không tốt về đơn vị tuyển dụng.
2. Đặt câu hỏi gợi mở
Đặt câu hỏi về thành tích ấn tượng nhất sẽ là cách tốt để so sánh kinh nghiệm trong quá khứ của ứng viên so với đòi hỏi của công việc hiện tại. Bằng cách kể lại thành tích tốt nhất của mình, ứng viên sẽ cảm thấy phấn khích. Đây là kỹ thuật đẩy cảm xúc của ứng viên.
Sau đó, nhà tuyển dụng có thể bày tỏ quan ngại về khoảng cách giữa kinh nghiệm này so với yêu cầu của công việc hiện tại. Lúc này, ứng viên sẽ ra sức thuyết phục bạn về khả năng của họ. Trong phỏng vấn, đây là kỹ thuật gợi mở cho ứng viên bày tỏ bản thân.
3. Thể hiện khả năng lãnh đạo và quản lý 
Những ứng viên giỏi luôn kỳ vọng tìm được người vừa quản lý vừa là chuyên gia giúp họ phát triển khả năng bản thân. Vì vậy, để tuyển được các ứng viên này, đại diện đơn vị tuyển dụng phải chứng minh được khả năng nhận biết điểm mạnh của ứng viên, phác thảo con đường phát triển sự nghiệp tương lai.
Nhấn mạnh những khả năng ứng viên có thể tiếp nhận được tại vị trí công việc mới là điều quan trọng trong khâu tuyển dụng.
4. Để ứng viên gặp những nhân sự giỏi
Cách tốt nhất để chứng minh cho ứng viên thấy nhà tuyển dụng có thể tuyển và phát triển sự nghiệp cho những nhân sự giỏi là để cho ứng viên trực tiếp gặp họ.
5. Duy trì thông tin tích cực
Kết thúc buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng có thể cho ứng viên biết họ là một trong số ít ứng viên cuối cùng đang được cân nhắc.
Nếu bạn kết thúc trong lấp lửng, ứng viên sẽ suy nghĩ nhiều hơn về lý do họ không thích công việc này để giảm thiểu hy vọng. Trong trường hợp này, bạn rất dễ nhận được lời từ chối nếu ứng viên đạt yêu cầu.
Điều bạn cần làm là giảm thiểu các suy nghĩ tiêu cực và tăng mạnh những suy nghĩ tích cực để giữ chân ứng viên lâu hơn.
6. Kiên nhẫn
Tuyển dụng người giỏi không phải là một giao dịch, thực hiện đầy đủ các bước một cách nhanh chóng sau đó sẽ có được ứng viên.
Quá trình này cần thời gian để các ứng viên, nhất là những cá nhân chưa sẵn sàng chuyển việc, suy nghĩ. Trong lúc đó, nhà tuyển dụng cần kiên nhẫn thuyết phục ứng viên. Nóng vội sẽ chỉ làm hỏng mọi chuyện.

Đừng là lý do khiến nhân viên của bạn nghỉ việc

Tại sao nhân viên lại có xu hướng gắn bó với người quản lý hay lãnh đạo? Một nhà lãnh đạo tài năng có những gì mà người khác không có?

Đừng là lý do khiến nhân viên của bạn nghỉ việc
Rất hiếm có trường hợp ai đó nghỉ việc chỉ vì công ty có chính sách yêu cầu báo cáo mọi chi phí, hay vì địa điểm làm việc, vì vị trí chỗ ngồi hay vì màu tường văn phòng không đẹp. Hầu hết các trường hợp nghỉ việc là vì họ không thể chịu đựng được cấp trên của mình, hay vì họ mất lòng tin vào ban lãnh đạo của công ty. Điều này đặc biệt đúng đối với các công ty còn non trẻ khi mà các hành động của người quản lý hay người lãnh đạo chi phối toàn bộ hoạt động của công ty. Ngược lại, một người sẽ gắn bó với công việc hơn, thậm chí cùng công ty trải qua những giai đoạn thăng trầm, nếu họ tôn trọng và tin tưởng vào người lãnh đạo, người chủ.
Tại sao nhân viên lại có xu hướng gắn bó với người quản lý hay lãnh đạo? Một nhà lãnh đạo tài năng có những gì mà người khác không có? Trí tuệ? Nhiệt huyết? Tinh thần vì tập thể? hay sự khiêm tốn?.
Sau đây là 5 cơ bản và cần thiết cho tất cả các nhà quản lý và lãnh đạo nếu muốn nhân viên gắn kết với công ty. Thực hành những điều này sẽ làm cho bạn - nhà quản lý, nhà lãnh đạo được yêu mến và quan trọng hơn cả là bạn sẽ không trở thành lý do để nhân viên nghỉ việc.
Có tầm nhìn rõ ràng
Cho dù bạn là CEO hay là quản lý cấp trung, hãy có một tầm nhìn rõ ràng cho những mục tiêu mà bạn mong muốn tập thể của bạn đạt được. Tầm nhìn này phải rõ ràng, nhất quán, dễ hiểu và dễ dàng hành động theo. Tầm nhìn này cần phải truyền đạt được sự lạc quan, nhiệt tình và khát vọng. Tầm nhìn này phải được thể hiện rõ ràng trong việc giao tiếp hằng ngày của bạn với nhân viên, thông qua lời nói hay văn bản. Mọi người cần phải hiểu rõ họ đang làm việc cho điều gì và sự thành công được đo lường như thế nào. Họ sẽ làm việc chăm chỉ cho bạn nếu họ biết bạn có một kế hoạch rõ ràng.
Quyết đoán
Đó chính là khả năng ra quyết định kịp thời trong những tình huống không chắc chắn. Trong môi trường kinh doanh phức tạp như hiện nay, rất hiếm khi bạn có đủ dữ liệu, thông tin bạn mong muốn để có thể đưa ra quyết định chắc chắn. Chính bạn, phải thường xuyên đưa ra quyết định trong chính những tình huống không chắc chắn như vậy để đảm bảo sự liên tục của hoạt động kinh doanh. Vì vậy, việc tin tưởng vào đồng nghiệp, nhân viên của bạn là rất cần thiết. Hãy hỏi họ những câu hỏi quan trọng khi cần thiết, cân nhắc thông tin, tình huống và tin tưởng vào bản năng của chính mình để ra quyết định.
Xây dựng đội ngũ gắn kết và hiệu quả
Một đội ngũ gắn kết và hiệu quả tạo nên tình bạn thân thiết, thúc đẩy phát triển sự nghiệp và giải quyết các xung đột. Xây dựng và duy trì một tập thể có hiệu suất cao cần nhiều thời gian và năng lượng. Tuy nhiên, một tập thể mạnh và thống nhất sẽ đạt được những kết quả tốt và đơn giản hoá quá trình ra quyết định.
Tự nhận thức
Tự nhận thức bao gồm thành tố bên trong và bên ngoài. Thành tố bên trong chính là mức độ mà bạn nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Bạn không  phải là một người hoàn hảo và bạn cũng không cần thiết phải là người hoàn hảo. Chấp nhận thực tế này sẽ làm bạn thoải mái hơn trong việc thừa nhận những điều mà mình không biết. Điều này sẽ cho phép những người khác tham gia thực hiện những việc mà họ làm giỏi, làm tốt. Họ sẽ đánh giá cao bạn về những trách nhiệm mà bạn cho phép họ đảm nhận và cả về sự ghi nhận của bạn cho sự cống hiến của họ. Thành tố bên ngoài chính là việc bạn tương tác với những người khác. Đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân, đối xử với đồng nghiệp trên tinh thần tôn trọng và nhân văn sẽ tạo ra một tập thể trung thành.
Lắng nghe
Một người lắng nghe tốt là người biết truyền đạt những điều mình nghe để người nói cảm thấy rằng họ được hiểu và chia sẻ. Lắng nghe tất cả mọi người là điều rất quan trọng, từ người ăn to nói lớn nhất cho đến người phụ tá mà bạn tin cậy nhất, và cả những người im lặng nhất. Đôi khi, chính những người im lặng nhất lại là người có nhiều điều để nói nhất, ngay cả khi những điều đó là những quan điểm đối lập.

Đặt nhân viên lên trước khách hàng

Quan niệm “Khách hàng luôn luôn đúng” hay “Khách hàng là ưu tiên hàng đầu” (Customer First) có lẽ không còn mới mẻ gì đối với đa số doanh nghiệp.

Đặt nhân viên lên trước khách hàng
Nội dung nổi bật:
 - Mối quan hệ giữa những nhân viên hài lòng với môi trường làm việc và sự hài lòng của khách hàng và ảnh hưởng của điều ấy đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Văn hóa nội bộ là nền tảng để xây dựng nhãn hiệu. Các công ty hoàn toàn có thể tạo ra những nhân chứng giả, có thể mua “like” (số người biểu hiện yêu thích) trên Facebook nhưng không ai có thể làm giả sự hài lòng và hạnh phúc của nhân viên.
- Khách hàng không phải lúc nào cũng là người đúng trong khi nhân viên hài lòng sẽ chủ động giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp.

Quan niệm “Khách hàng luôn luôn đúng” hay “Khách hàng là ưu tiên hàng đầu” (Customer First) có lẽ không còn mới mẻ gì đối với đa số doanh nghiệp. Thế nhưng, Josiah Humphrey và Mark McDonald, đồng Giám đốc điều hành của Công ty phát triển phần mềm Appster lại có một triết lý hoạt động kinh doanh khác: Nhân viên mới là ưu tiên hàng đầu, còn khách hàng chỉ đứng ở vị trí thứ hai.
Appster là một công ty được thành lập cách đây ba năm tại Úc, hiện có 150 nhân viên, đang hoạt động tại Mỹ, Úc, Ấn Độ và phát triển rất nhanh. Chỉ trong năm 2014, Appster đã tuyển dụng mới 50 nhân viên và đang có kế hoạch tuyển thêm khoảng 100 nhân viên trong năm tới.
Thách thức lớn nhất của công ty này là tìm kiếm và phát triển một đội ngũ nhân tài sẵn sàng cống hiến nhiều thời gian và nỗ lực để đem lại những dự án thành công không thua kém gì Facebook.
Để bảo vệ cho triết lý kinh doanh nói trên của mình, Humphrey đã dẫn chứng một bài viết khá nổi tiếng trên tờ Harvard Business Review chỉ ra mối quan hệ giữa những nhân viên hài lòng với môi trường làm việc và sự hài lòng của khách hàng và ảnh hưởng của điều ấy đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo đó, nghiên cứu cho thấy nếu nhân viên cảm thấy vui vẻ, họ sẽ làm việc tốt hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn khiến khách hàng trung thành hơn với doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và lợi nhuận.
“Chúng tôi thật sự muốn làm mọi cách có thể để khách hàng hài lòng nhưng chúng tôi nghĩ rằng chỉ có thể thực hiện được điều này bằng cách trước tiên phải làm cho nhân viên cảm thấy yêu mến công việc của họ”, Humphrey chia sẻ.
Dưới đây là những lý giải khác của Humphrey và McDonald về quan niệm “Nhân viên là ưu tiên hàng đầu”.
Văn hóa nội bộ là nền tảng để xây dựng nhãn hiệu. Doanh nghiệp có thể kiểm soát nhận thức của khách hàng về nhãn hiệu của mình qua định vị nhưng khách hàng sẽ luôn tin vào những gì mà “người trong nhà” của doanh nghiệp nói về môi trường làm việc của họ nhiều hơn.
“Trên thực tế chúng tôi đã giành được nhiều dự án chỉ vì khách hàng đã nghe và chứng kiến những điều thực tế tốt đẹp mà nhân viên của chúng tôi đã chia sẻ với họ. Các công ty hoàn toàn có thể tạo ra những nhân chứng giả, có thể mua “like” (số người biểu hiện yêu thích) trên Facebook nhưng không ai có thể làm giả sự hài lòng và hạnh phúc của nhân viên khi làm việc với doanh nghiệp và đó chính là mấu chốt của mọi vấn đề”, McDonald giải thích.
Doanh nghiệp không thể kiểm soát tất cả hành vi của nhân viên. Cách đây 50 năm, các nhà quản trị doanh nghiệp có thể đặt ra vô số các quy định và xây dựng các quy trình để hạn chế việc nhân viên làm sai, dẫn đến những tổn thất cho doanh nghiệp.
Nhưng ngày nay, công nghệ đã làm cho tính chất của công việc phức tạp hơn và khó kiểm soát hơn. Chẳng hạn, một nhân viên phát triển phần mềm của Appster khi cảm thấy bất mãn có thể cố tình viết ra những đoạn lỗi (bug) trong phần mềm của khách hàng.
“Vì vậy, thái độ của chúng tôi ngay từ ngày đầu tiên là tôn trọng nhân viên và như thế họ sẽ tôn trọng khách hàng. Họ sẽ tìm cách làm việc sao cho tốt nhất trong khuôn khổ của những hệ thống, quy trình làm việc hiện tại của doanh nghiệp, họ sẽ tự biết cách làm cho khách hàng hài lòng”, McDonald giải thích.
Doanh nghiệp có thể gặp lại “cố nhân” sau này. McDonald cho rằng, ranh giới giữa các đối thủ cạnh tranh trong một ngành hay giữa doanh nghiệp và khách hàng ngày càng bị thu hẹp.
Một nhân viên từng làm việc cho doanh nghiệp sau đó nghỉ việc để chuyển sang làm việc cho các đối thủ cạnh tranh khác hoàn toàn có thể quay trở lại làm việc với doanh nghiệp sau một thời gian thậm chí với một vai trò quan trọng hơn. Hoặc nhân viên ấy có thể chuyển sang làm việc cho khách hàng với một thẩm quyền ra quyết định rất lớn về việc mua sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp chắc chắn sẽ không muốn làm xấu đi mối quan hệ ấy. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi thực tế đã giúp những nhân viên quyết định rời bỏ công ty tìm việc ở những nơi khác, và chúng tôi đặt ra một trong những nhiệm vụ của bộ phận nhân sự là xây dựng quan hệ tốt với các công ty bên ngoài để giới thiệu ứng viên từng là nhân viên của mình”, McDonald chia sẻ.
Nhân viên luôn có những nguồn ứng viên tốt. Tìm kiếm nhân tài luôn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực công nghệ.
Nên nhớ rằng một nhân viên kinh doanh hay một nhân viên phát triển phần mềm giỏi của doanh nghiệp thường có quan hệ tốt với nhiều ứng viên giỏi cho các vị trí này. Theo McDonald, giới thiệu việc làm cho một ai đó cũng có nghĩa là giúp họ ra một quyết định quan trọng cho cuộc đời của mình và chỉ có những nhân viên hiện tại của doanh nghiệp mới giúp doanh nghiệp làm việc này một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Khách hàng không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, Appster còn muốn nhân viên của mình tương tác với khách hàng theo hướng “thách thức” và tranh luận với họ để cùng họ đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo, làm nền tảng cho việc phát triển những phần mềm tiến bộ hơn sau này, từ đó quay lại cải thiện hoạt động của khách hàng.
Những nhân viên hài lòng sẽ chủ động giải quyết các vấn đề. Doanh nghiệp càng phát triển nhanh thì càng nảy sinh nhiều vấn đề.
“Các giám đốc điều hành dù có kinh nghiệm đến mấy, các nhóm làm việc dù có giỏi đến mấy thì cũng không tránh khỏi việc đương đầu với những rắc rối, những mâu thuẫn mới phát sinh. Nhưng nếu doanh nghiệp xây dựng được một văn hóa làm việc chú trọng nhân viên thì họ sẽ chủ động giải quyết các vấn đề trước khi chúng được báo cáo lên các cấp quản lý cao hơn”, McDonald giải thích.

5 điều cần làm trong 90 ngày đầu tiên

Dưới đây là 5 điều Mary Barra đã chia sẻ trên trang LinkedIn của mình để giúp mọi người có thể tập trung tốt nhất vào công việc đang làm.

5 điều cần làm trong 90 ngày đầu tiên
Mary Barra - CEO của General Motors (GM) là nhân sự hiếm hoi phát triển toàn bộ sự nghiệp của mình chỉ tại một công ty duy nhất.
Trong suốt thời gian phát triển sự nghiệp, Mary Barra đã trải qua hàng chục vị trí khác nhau, từ kỹ sư đến sản xuất, truyền thông và nhân sự tại GM.
Khoảng thời gian này Mary Barra nhận ra rằng bất kể bạn dành bao lâu để làm việc cho một công ty nào đó, bạn cũng cần phát huy hết khả năng của mình với vị trí mới đảm nhận.
Dưới đây là 5 điều Mary Barra đã chia sẻ trên trang LinkedIn của mình để giúp mọi người có thể tập trung tốt nhất vào công việc đang làm.
1. Đặt khách hàng làm trung tâm
Bất kể bạn làm kế toán, kỹ sư hay nhân viên bán hàng, hãy nhớ rằng tập trung làm mọi thứ vì khách hàng sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất trong công việc. Nhu cầu của họ sẽ định hình mọi quyết định bạn đưa ra.
Nếu tiếng nói của khách hàng vẫn chưa thể hiện rõ trong vị trí công việc bạn mới đảm nhận, bạn hãy dành 90 ngày đầu tiên và mỗi ngày sau đó để tìm hiểu xem khách hàng đóng vai trò thế nào trong công việc của bạn.
2. Lắng nghe đồng nghiệp
90 ngày đầu tiên là cơ hội tốt nhất để bạn xây đắp sự tôn trọng và niềm tin từ các đồng nghiệp của mình. Mọi người sẽ không quan tâm đến bạn cho đến khi họ nhận thấy sự quan tâm từ phía bạn.
Vì vậy, hãy cởi mở, luôn tìm kiếm giải pháp và lắng nghe nhiều hơn nói. Khi bạn đánh giá cao những gì người khác chia sẻ, họ sẽ mở lòng để trao đổi với bạn nhiều hơn. Quá trình này sẽ dẫn đến những sự gắn kết tốt cho mối quan hệ với đồng nghiệp trong tương lai.
3. Củng cố đội ngũ
Một trong những trách nhiệm của người lãnh đạo là đảm bảo bạn đã tìm được nhân sự phù hợp cho đội ngũ của mình. Mong đợi và đáp ứng yêu cầu là điều bạn cần cam kết với tất cả nhân viên của mình.
Nếu bạn không có được nhân sự phù hợp, bạn sẽ không có thời gian làm việc của bạn vì bạn sẽ mất thời gian xử lý công việc của họ. Nếu bạn có một nhân sự đang không thoải mái với công việc hiện tại cùng toàn đội, hãy để nhân sự đó đến với môi trường công việc mới phù hợp hơn với họ.
4. Chịu trách nhiệm cá nhân
Nếu bạn phải tiếp quản những vấn đề do người tiền nhiệm để lại, đừng phan phiền và đùn đẩy chúng. Đừng bao giờ viện cớ người mới để từ chối xử lý chúng.
Thay vào đó, bạn hãy tìm hiểu vấn đề, xây dựng kế hoạch để xử lý chúng. Đồng đội không chỉ trông đợi vào bạn lúc mọi việc đang suôn sẻ, thành công mà còn ở cách bạn xử lý mọi vấn đề không như ý như thế nào.
5. Chấp nhận và học hỏi
Vào cuối mỗi ngày, thành công không chỉ thể hiện ở kết quả tốt nhất theo kế hoạch bạn đã đặt ra mà còn ở cách bạn chấp nhận những sự thay đổi bất ngờ từ khách hàng.
Chấp nhận mọi chuyện là một trong những điều thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo. Và một phần lớn trong công việc lãnh đạo là có tầm nhìn xa để đủ khả năng lèo lái đội ngũ vượt qua những thử thách luôn biến động mỗi ngày trong công việc.

7 mẹo chăm sóc khách hàng trung thành hiệu quả

Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn tạo ra một chương trình chăm sóc khách hàng trung thành hiệu quả, khiến họ không ngừng quay trở lại cửa hàng của bạn.

7 mẹo chăm sóc khách hàng trung thành hiệu quả
1. Tích lũy điểm thưởng
Có một vài hình thức khác nhau bạn có thể sử dụng để quyết định khi nào khách hàng sẽ tích lũy đủ điểm thưởng. Hình thức bạn lựa chọn nên phù hợp với cách thức bạn vận hành cửa hàng và cách thức bạn tương tác với khách hàng:
Phần thưởng cho khách mua hàng:Với hình thức này, khách hàng sẽ mua hàng với số lượng sản phẩm nhất định để được nhận phần thưởng. Số lần mua hàng thường được theo dõi bằng con dấu hoặc tem thưởng.
Phần thưởng cho khách ghé thăm thường xuyên: Hình thức này có thể được minh hoạ bằng việc khách hàng tới cửa hàng của bạn với một số lần nhất định (chẳng hạn từ 7-15 lần) sẽ được tặng những sản phẩm miễn phí hoặc giảm giá trong những lần mua hàng tiếp theo. Hình thức khuyến mãi này phù hợp nhất với các salon và spa làm đẹp, nơi mà các khách hàng thường chi ra một khoản tiền nhất định trong mỗi lần tới thăm và sử dụng dịch vụ tại cửa hàng.
Phần thưởng cho số tiền mua hàng:Đây là một hình thức khác của kiểu “phần thưởng cho khách mua hàng”. Chương trình khuyến mãi này dành cho khách hàng khi họ chi ra một số tiền mua sắm nhất định. Chẳng hạn, nếu như khách hàng đã chi ra tổng số tiền 10 triệu sau tổng các lần mua sắm tại cửa hàng của bạn, họ sẽ được tặng một bộ đồ gốm sứ miễn phí.
Lợi thế của chương trình này là tất cả các khách hàng phải bỏ ra một khoản mua giống nhau để nhận được một phần thưởng, không quan trọng sản phẩm họ mua là là. Tuy vậy, điểm yếu của hình thức này chính là khách hàng sẽ mất một khoảng thời gian lâu hơn để có thể đạt được phần thưởng, điều này sẽ dễ khiến họ nản lòng và không có động lực quay trở lại cửa hàng của bạn.
Phần thưởng dành cho khách hàng chi tiêu mạnh tay trong một lần mua sắm: Nếu khách hàng chi tiêu một lượng tiền vượt qua một con số cụ thể nào đó, họ sẽ được giảm giá hoặc nhận được những phần quà miễn phí.
Kiểu chương trình khuyến mãi này có thể giúp làm tăng lượng chi tiêu của khách hàng trong mỗi lần ghé thăm cửa hàng của bạn nếu họ đã đến rất gần mức chi tiêu để được khuyến mại. Nhưng điều này lại không khuyến khích họ ghé lại cửa hàng vào những lần sau.
Điểm thưởng có thời hạn: Bạn có thể đưa ra những điểm thưởng “có thời hạn” và nếu như khách hàng không sử dụng chúng trong một khoảng thời gian nhất định (nửa tháng, 1 tháng hay 1 năm…), những điểm thưởng của họ sẽ không còn hiệu lực.
Bạn có thể thấy hình thức này khá phổ biến với các cửa hàng café, chẳng hạn chuỗi cửa hàng Highlands coffee thường đưa ra các phiếu đồ uống miễn phí khi họ muốn khuyến khích khách hàng sử dụng loại đồ uống mới trong thời gian ra mắt.
Mục tiêu phía sau hình thức này chính là khiến cho các khách hàng chi tiêu nhiều hơn trong thời gian ngắn hơn, nhưng bạn cũng sẽ phải đối mặt với “hiểm họa” từ sự giận dữ của khách hàng khi họ biết được rằng phiếu thưởng của họ đã không còn hiệu lực nữa.
Kết hợp các chương trình khuyến mại với nhau: Bạn có thể kết hợp nhiều ý tưởng, chẳng hạn phần thưởng cho khách hàng ghé thăm thường xuyên kết hợp với phần thưởng cho các khách hàng chi tiêu mạnh tay trong một lần mua sắm, để đạt được lợi nhuận lớn nhất từ khách hàng trung thành.
Dù lựa chọn bất kỳ hình thức khuyến mại nào, bạn cũng cần chắc chắn rằng các quy trình đều được giải thích rõ ràng cho khách hàng. Họ cần phải hiểu rõ hình thức bạn đang đưa ra và làm cách nào họ có thể giành được các phần thưởng.
2. Xây dựng chương trình khách hàng trung thành
Một con dấu tích điểm có thể hoàn thành công việc trao phần thưởng cho khách hàng, nhưng nó sẽ không giúp bạn lưu lại những thông tin khách hàng hay thói quen mua sắm của họ để nâng cao chất lượng hoạt động marketing.
Chương trình khách hàng trung thành của bạn nên được xây dựng sao cho bạn có thể thu thập được các thông tin về cách thức khách hàng tương tác cửa hàng của bạn và cho phép bạn giao tiếp với họ qua tin nhắn, email hay đường bưu điện.
Để làm được điều này, bạn sẽ cần phải thu thập thông tin khách hàng và các thông tin khác (như sở thích, thói quen...) khi khách hàng đăng ký tham gia chương trình. Để thu thập được nhiều thông tin nhất có thể, bạn nên có những ưu đãi riêng dành cho các khách hàng điền đầy đủ thông tin cần thiết (ví dụ tặng thêm điểm thưởng, hoặc khuyến mãi, giảm giá…).
3. Đơn giản hóa chương trình
Bạn càng làm cho khách hàng cảm thấy họ dễ dàng nhận được phần thưởng bao nhiêu, tỉ lệ khách hàng tham gia chương trình sẽ càng lớn bây nhiêu. Ví dụ, bạn có thể sử dụng quầy đăng nhập thông tin qua máy tính bảng để khách hàng điền số điện thoại và nhận điểm thưởng thay vì dựa vào các con dấu tích điểm hay quét thẻ.
Bạn cũng nên cẩn trọng và tránh việc hỏi quá nhiều thông tin trong một lần hỏi. Ví dụ, bạn có thể hỏi số điện thoại khách hàng trong lần đầu tiên họ tới cửa hàng và hỏi những thông tin khác (ngày kỷ niệm, sản phẩm ưa thích) trong những lần sau hoặc thông qua email mà họ cung cấp.
4. Cho phép khách hàng lựa chọn hình thức giao tiếp
Một số khách hàng có tâm lý e ngại cung cấp thông tin cá nhân bởi họ sợ rằng bạn sẽ “tra tấn” họ với hàng loạt những tin nhắn quảng cáo. Bạn có thể đẩy lùi sự lo ngại này bằng cách cho phép khách hàng lựa chọn hình thức nào họ thoải mái nhất.
Ví dụ, bạn có thể đề xuất khách hàng lựa chọn giữa việc nhận tin nhắn quảng cáo một lần một tuần hay một tháng, hoặc chỉ nhận coupon khuyến mãi và không nhận tin nhắn quảng cáo.
5. Đa dạng hoá các phần thưởng và thông điệp quảng cáo
Đừng để những thông tin hết sức giá trị xoay quanh khách hàng mà bạn thu thập được bị bỏ phí. Một cách hay để tạo ra một chiến dịch marketing thành công là thay đổi những thông điệp bạn muốn gửi tới từng khách hàng.
Bạn nhớ ra rằng, có khách hàng đã nhắc đến việc anh ta thích sô cô la hơn vani. Vậy thì hãy gửi cho anh ấy một chương trình khuyến mại về các loại kem vani. Hay với một khách hàng thường xuyên đến cửa hàng của bạn, hãy gửi cho anh ấy chương trình khuyến mãi “mua 1 tặng 1” cho anh ấy và bạn của mình.
Phân khúc hoá đối tượng khách hàng phù hợp cũng là một việc quan trọng. Hãy tạo một thông điệp mang tính cá nhân và sử dụng nguồn dữ liệu của bạn để gửi thông điệp đó cho đúng đối tượng và thời điểm.
6. Sử dụng những cuộc đua về điểm thưởng
Hãy cân nhắc việc sử dụng các cuộc đua nho nhỏ như một cách tạo không khí cạnh tranh vui vẻ và khiến khách hàng thường xuyên ghé thăm cửa hàng nhiều hơn.
Hãy đưa ra bảng điểm hàng tháng với các chủ đề khác nhau: ví dụ, ai là người có số lần đến cửa hàng nhiều nhất, hoặc ai là người tích luỹ được nhiều điểm thưởng trong tháng nhất…
Hãy quảng cáo về cuộc đua này trên các kênh mạng xã hội, tại cửa hàng, hoặc những tin nhắn gửi tới khách hàng.
7. Nhắc nhở khách hàng về số điểm tích luỹ của họ
Chẳng hạn, hãy nhắc khách hàng rằng họ đã tiến gần đến việc nhận được một chiếc bánh sandwich miễn phí hay thẻ giảm giá 50%. Điều này sẽ khuyến khích họ ghé thăm cửa hàng thường xuyên hơn cho đến khi họ đạt tới cấp khuyến mại tiếp theo.
Một điều cần bạn cần ghi nhớ: Dù chương trình dành cho khách hàng trung thành của bạn có thành công hay không, sự trung thành cần đến từ 2 phía. Để đạt được các phần thưởng hay khuyến mại, khách hàng cần trung thành với cửa hàng của bạn; ngược lại, bạn cũng cần trung thành với họ thông qua việc cung cấp những sản phẩm/dịch vụ tốt nhất có thể.