Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

[Khởi nghiệp] 'Không nhất thiết phải sờ vào điện 220 volt để biết rằng điện giật có hại'

"Sau này, khi nhìn lại, tôi mới thấy rằng có nhiều thất bại của mình diễn ra một cách rất ngu xuẩn. Thực tế, những thất bại này hoàn toàn có thể tránh được".

Tôi là người thích kinh doanh và trải qua nhiều thất bại trong kinh doanh. Người ta thường nói: “Thất bại là mẹ của thành công”. Câu nói này không sai nhưng cũng không đúng. Bởi tôi đã chứng kiến rất nhiều người khởi nghiệp sau khi vấp ngã đã không thể gượng nổi dậy để đi tiếp.
Mỗi lần thất bại trong việc kinh doanh riêng, chúng ta sẽ mất đi rất nhiều nguồn lực.
- Về thời gian: chúng ta cống hiến rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp của mình nhưng không có kết quả. Và bạn biết rồi đó, thời gian là thứ cực kỳ quý giá bởi khi càng nhiều tuổi, nhiệt huyết khởi nghiệp của cá nhân thường có xu hướng giảm dần.
- Về tiền bạc: không thất bại nào trong kinh doanh riêng không gắn liền với mất mát về tài chính. Ít nhất, bạn đã mất tiền đầu tư cơ sở vật chất cho doanh nghiệp và để rồi đến lúc thất bại, bạn sẽ rất may mắn nếu tình trạng tài chính của bạn là con số 0. Trên thực tế, rất nhiều bạn bè của tôi sau khi thất bại đã phải bắt đầu với con số âm, tôi cũng không phải ngoại lệ. Và trong thời buổi kinh tế hiện nay, đồng tiền kiếm được là vô cùng quý giá.
- Về tâm lý: đây là mất mát vô hình nhưng lớn nhất. Khi khởi nghiệp, chúng ta đầy khát khao, đam mê, hoài bão để rồi khi đối diện với thất bại, chúng ta sẽ phải đối diên với hàng loạt câu hỏi: “Tôi thật kém cỏi”, “Tôi thật vô dụng” v.v... và chưa kể là những ánh mắt của bạn bè, người thân luôn xoáy vào bạn. Những câu nói dè bỉu: “Tao đã bảo rồi mà...” sẽ luôn khiến bạn cảm thấy dằn vặt. Chính rào cản về mặt tâm lý mới là điều kinh khủng nhất, là yếu tố tôi chứng kiến nhiều bạn bè của mình sau khi vấp ngã đã không thể một lần nữa phá rào để khởi nghiệp lại.
Trong khi rất nhiều sách vở đề cao sự thất bại thì hãy cẩn thận, tốt hơn hết là tránh được thất bại mà vẫn gặt hái được thành công, đó mới là điều tốt nhất. Nếu bạn yêu thích thất bại, tốt hơn cả là bạn nên có nhiều tiền, nhiều thời gian và có thần kinh thép.
Sở dĩ tôi nói vậy vì mỗi lần khởi nghiệp thất bại, tôi thường phải mất từ 1 đến 2 năm mới có thể hồi phục lại được và tiếp tục khởi nghiệp trở lại. Sau này, khi nhìn lại, tôi mới thấy rằng có nhiều thất bại của mình diễn ra một cách rất ngu xuẩn. Thực tế, những thất bại này hoàn toàn có thể tránh được.
Trải nghiệm thất bại sau đó thành công là điều tốt. Nhưng tốt hơn cả là quan sát, học hỏi để tránh khỏi thất bại cần thiết. Chúng ta không nhất thiết phải sờ vào điện 220 volt để biết rằng điện giật có hại. Những thất bại cũng vậy, có nhiều thất bại trong lĩnh vực khởi nghiệp được lập đi lập lại và nếu quan sát một cách kỹ càng, học hỏi một cách chân thành, chúng ta sẽ tránh được thất bại và điều này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được những nguồn lực khổng lồ về mặt thời gian cũng như tiền bạc.
Tôi đã rất nhiều lần thất bại nhưng tôi xin kể với bạn 3 câu chuyện tôi đã thất bại khi khởi nghiệp, và những thất bại đó đã cho tôi những bài học gì. Mong các bạn tránh được những thất bại mà tôi đã vấp phải.
Khởi nghiệp 1
Tôi vốn học Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Từ thời sinh viên, tôi và các bạn bè cũng lớp đã có những hợp đồng dịch. Mức giá tiền khi đó là 50.000 đ/trang. Điều đáng nói: Định nghĩa của 1 trang giấy ở đây có mức độ co giãn rất lớn khi mà các công ty dịch đưa cho chúng tôi những tờ giấy A4 nhưng căn lề ra sát dòng, font chữ không bao giờ là 12 mà chỉ là 10, đặc biệt, không bao giờ xuống dòng.
Sau khi ra trường, dù đã có công việc chính thức nhưng ngoài giờ, tôi vẫn nhận dịch, những hợp đồng dịch tốt hơn: nghĩa là ít chữ hơn và tiền nhiều hơn. Đôi khi, một mình không đủ thời gian dịch, chúng tôi chia sẻ lại cho bạn bè và cùng nhau dịch.
Đến một thời điểm, tôi ngồi cùng hai người bạn và nói: “Chúng ta nên thành lập một công ty về dịch thuật. Quay lại trường tìm những bạn sinh viên tốt. Chia sẻ những bản dịch cho mọi người. Sinh viên sẽ được chúng ta đối xử tốt hơn. Chúng ta cũng sẽ thả sức nhận nhiều hợp đồng dịch lớn và kiếm nhiều tiền hơn”.
Và thế là chúng tôi bắt tay vào thành lập một Trung tâm Dịch thuật, hì hụi thiết kế logo, làm web, in card v.v... với những viễn cảnh tươi sáng.
Trung tâm lay lắt được vài tháng thì dừng hoạt động.
Nguyên nhân: Chẳng ai trong số chúng tôi quyết định nghỉ việc để về làm toàn thời gian cho công việc kinh doanh của mình cả. Bởi công việc hiện tại của ba đứa đều ổn định, thu nhập tốt và khi bắt tay vào thực hiện dự án dịch thuật, không ai có đủ thời gian để chạy hai công việc cùng một lúc.
Bài học: Sau này, tôi gặp gỡ nhiều bạn bè, chứng kiến nhiều start up và cũng được bạn bè rủ tham gia vào những start up khác nhau. Câu hỏi đầu tiên tôi luôn đặt ra là: “Ai sẽ quyết định làm toàn thời gian, sống chết cho dự án này”.
Nếu mọi người đều chỉ tham gia với tư cách bán thời gian, tôi sẽ dừng việc hợp tác ngay lập tức, cho dù là đội hình đó có kinh nghiệm đến mấy, có bằng cấp cao đến mấy. Bởi khi khởi nghiệp, công việc tư duy rất nhiều nhưng công việc chân tay còn nhiều hơn gấp bội. Bạn cần phải có người xắn tay vào làm việc cật lực, toàn tâm, toàn ý, may ra thành công mới mỉm cười với bạn.
Khởi nghiệp 2
Một người bạn tôi rất nể trọng trong lĩnh vực công nghệ rủ tôi khởi nghiệp. Đó là thời điểm năm 2008 khi làn sóng thương mại điện tử còn khá mới mẻ. Lĩnh vực gì: “ERP: phần mềm quản trị doanh nghiệp”, người bạn tôi nói “Đây là lĩnh vực của tương lai. Doanh nghiệp sẽ quản trị toàn bộ nhân sự, kế toán v.v... trên nền tảng ERP”.
Khi đó, tôi đã đọc quá nhiều sách về Bill Gates, Steve Jobs, Micheal Dell và bị ám ảnh bởi những thương vụ khởi nghiệp tỷ đô ở thung lũng Silicon hoa lệ và nhanh chóng bị người bạn thuyết phục với lời khẳng định của người bạn: “Phần mềm này ở nước ngoài có giá lên đến hàng chục ngàn đô. Tao có thể làm được chỉ với vài chục triệu”.
Giấc mơ làm giàu bùng cháy để rồi tắt ngấm sau... chưa đầy 1 năm.
Nguyên nhân: Người bạn tôi vật lộn mãi nhưng không thể nào làm ra được sản phẩm demo. Trong khi đó, chi phí nuôi nhân viên kỹ thuật, nhân viên bán hàng, tiền thuê nhà v.v... hàng tháng rất lớn. Cuối cùng, khi sản phẩm ra đời, chúng tôi đi chào hàng thì chẳng doanh nghiệp nào mua. Thú thực là ai dám trao toàn bộ hệ thống dữ liệu doanh nghiệp cho hai thằng nhóc với một công ty hoàn toàn không có thương hiệu trên thị trường.
Bài học: Sau này, khi tham gia tư vấn hoặc tham gia trực tiếp vào một số doanh nghiệp ở thời điểm khởi nghiệp,câu hỏi tôi luôn đặt ra là: “Bao nhiêu lâu thì sản phẩm phải ra đời”, “Ngân sách nuôi công ty đến lúc sản phẩm ra đời là bao nhiêu tiền”, và “Bao nhiêu tiền sẽ được chi ra để làm thương hiệu nhằm thuyết phục khách hàng mua sản phẩm”.
Nếu ba câu hỏi trên chưa được trả lời thấu đáo, tôi sẽ chờ đợi đến thời điểm chín muồi hơn để bắt đầu.
Khởi nghiệp 3
Sau khi ra trường, tôi làm việc trong lĩnh vực du lịch. Nhận thấy thị trường nhà hàng chuyên dành cho khách du lịch có tiềm năng, tôi cùng hai người anh cùng nghề nữa quyết định gọi vốn mở nhà hàng du lịch. Bởi vì ba anh em đều ít vốn nên chúng tôi quyết định gọi thêm vốn từ những anh em bạn bè khác cũng làm trong lĩnh vực du lịch.
Một phần lo sợ mơ hồ rằng sau này công ty lớn mạnh, những cổ đông lớn hơn sẽ chiếm đoạt tâm huyết do mình gây dựng nên chúng tôi quyết định những cổ đông góp vốn không được góp quá 20% cổ phần. Rất nhiều người tham gia góp vốn và dự án nhà hàng được hình thành với danh sách cổ đông ban đầu lên tới gần chục người.
Sau hơn 1 năm nhà hàng hoạt động, tôi cùng với một cổ đông sáng lập khác rút vốn khỏi dự án.
Nguyên nhân: Nguyên nhân không hẳn đến từ việc kinh doanh. Thực tế công việc kinh doanh khá suôn sẻ và nhà hàng đã có độ phủ rộng tới toàn bộ các công ty du lịch tại Hà Nội với lượng khách khá ổn định. Tuy nhiên, sự tan rã đến tự nội bộ cổ đông. Nhiều người không phải là điều tệ hại. Điều tệ hại là khi bạn có nhiều người tham gia góp vốn, bạn cần phải có luật chơi thật sòng phẳng và rõ ràng ngay từ ban đầu. Nếu không, sự va chạm của những cái tôi lớn và tư duy “tôi là cổ đông, tôi là chủ” sẽ khiến doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian giải quyết những vấn đề nội bộ rồi không thể vươn mình lên một tầm vóc lớn được.
Bài học: Vậy có nghĩa là bạn nên khởi nghiệp một mình? Không! Những câu chuyện kinh doanh đã đề cao quá nhiều đến vấn đề cá nhân. Một mình Steve Jobs không thể khởi nghiệp thành công nếu thiếu thiên tài kỹ thuật của Steve Wozniak và tư duy marketing ban đầu của Mike Markkula. Một mình Bill Gates đã không thể thành công nếu thiếu sự đóng góp của Pall Allan trong những ngày đầu lập nghiệp.
Khi khởi nghiệp, chúng ta cần có một ê kip làm việc. Điều đáng nói, ekip làm việc của những công ty khởi nghiệp thường là bạn bè. Bạn bè thường có một điểm chung nào đó. Có quá nhiều điểm chung chỉ tốt khi chúng ta nói chuyện cafe, còn thực ra không tốt cho doanh nghiệp khi khởi sự. Bởi ê kip làm việc cần những con người với kỹ năng khác biệt. Lý tưởng là một bộ ba với kỹ năng Sản phẩm - Marketing - Vận hành. Đó là ba chân kiềng vững để doanh nghiệp có thể vượt qua những sóng gió ban đầu và tìm kiếm cơ hội trong tương lai.
Tuy nhiên, bài học lớn hơn cả khi tham gia vào các dự án khởi nghiệp, đó là sau này khi bắt đầu những dự án khác, những cổ đông cũ vẫn sẵn sàng tiếp tục góp vốn cùng với tôi. Bởi trong quá trình làm việc, tôi đặt nguyên tắcMINH BẠCH TÀI CHÍNH lên hàng đầu. Bạn có thể thất bại do thiếu kỹ năng, thiếu may mắn hay thiếu cả hai, cổ đông có thể chê trách bạn nhưng bạn sẽ vẫn có cơ hội làm lại bởi con đường kinh doanh còn dài với những người đam mê khởi nghiệp. Nhưng nếu bạn nhập nhèm về tài chính, cơ hội làm lại đối với bạn là rất nhỏ. Bởi không ai muốn tham gia doanh nghiệp với một người không minh bạch tài chính.
Hoàng Tù

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

'Văn hoá chất lượng' yếu tố tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp (P.2)

'Văn hoá chất lượng' yếu tố tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp (P.2)

Việc xem chất lượng sản phẩm/dịch vụ là giá trị cốt lõi trong văn hoá doanh nghiệp là một trong những cách độc lập để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp ngoài các phương pháp quản lý truyền thống.

Nội dung nổi bật:
- Mặc dù chất lượng thường được nhấn mạnh trong quá trình hoạt động bình thường của doanh nghiệp nhưng lại nhanh chóng bị đánh đổi trong những khoảnh khắc mất tập trung vào những vấn đề khác của doanh nghiệp.
- Để xây dựng “văn hoá chất lượng” có tác động tốt đến người tiêu dùng doanh nghiệp nên có những nhà lãnh đạo đặt trọng tâm vào chất lượng, đảm bảo các thông điệp đáng tin cậy và có liên quan, và cuối cùng là tăng cường ý thức sở hữu và trao quyền cho nhân viên trong việc đảm bảo kết quả chất lượng.

Theo CEB, nhiều chiến lược truyền thống được sử dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như: ưu đãi tiền tệ, đào tạo, đề ra yêu cầu và mục tiêu rõ ràng hơn, chia sẻ kinh nghiệm lại có ít ảnh hưởng đến việc đạt được một nền văn hóa chất lượng.
Nghiên cứu của CEB chỉ ra rằng để xây dựng “văn hoá chất lượng” có tác động tốt đến người tiêu dùng doanh nghiệp nên có những nhà lãnh đạo đặt trọng tâm vào chất lượng, đảm bảo các thông điệp đáng tin cậy và có liên quan, và cuối cùng là tăng cường ý thức sở hữu và trao quyền cho nhân viên trong việc đảm bảo kết quả chất lượng.
Vấn đề về chất lượng sản phẩm vốn đã là vấn đề quan tâm hàng đầu của mọi doanh nghiệp, song CEB với nghiên cứu của mình đã có một cái nhìn mới mẻ và bất ngờ rằng: Mặc dù chất lượng thường được nhấn mạnh trong quá trình hoạt động bình thường của doanh nghiệp nhưng lại nhanh chóng bị đánh đổi trong những khoảnh khắc mất tập trung vào những vấn đề khác của doanh nghiệp. Vào những lúc như vậy, các nhà lãnh đạo thường tập trung hơn vào việc thông qua "khủng hoảng" hơn là việc dành sự tập trung luôn luôn cho vấn đề chất lượng.
Trớ trêu thay, những khoảnh khắc mất tập trung lại chính là lúc các nhà lãnh đạo cần nhất để củng cố và nhấn mạnh chất lượng. Nghiên cứu của CEB cho thấy rằng trong một tổ chức mất tập trung, khả năng tập trung để làm việc của người lao động giảm, và kết quả là hơn 85% lỗi của sản phẩm sinh ra từ đây.
Trong đó, sự thay đổi trong khối lượng công việc, thay đổi về nhân sự, và thay đổi về thiết bị mà người lao động sử dụng được cho là có khả năng dẫn tới lỗi sản phẩm cao nhất. Các xáo trộn này có thể dễ dàng nhận thấy bởi các nhà lãnh dạo doanh nghiệp đồng nghĩa với việc chúng có thể được quản lý thích hợp.
Quan trọng hơn cả là doanh nghiệp phải có những nhà lãnh đạo có thể duy trì cho nhân viên của mình sự tập trung tối đa trong công việc bằng cách giảm tải công việc hoặc tạo động lực để nhân viên duy trì sự tập trung của mình. Tại một doanh nghiệp lãnh đạo duy trì được tập trung bằng cách cung cấp ưu đãi một lần để động viên nhân viên để tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ và hoạt động quan trọng mang lại nhiều hiệu quả về việc giảm thiểu lỗi sản phẩm, gia tăng 26% sự tập trung cho nhân viên giúp thảm thiểu 57% lỗi sản phẩm.
Mặc dù 65% các nhân viên tin rằng thông điệp lãnh đạo giải thích tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm thì chỉ có 4% tin rằng các thông điệp về chất lượng đó là tin cậy và liên quan tới họ. Một lý do cơ bản cho sự khác biệt này là ngay cả khi các nhà lãnh đạo có những ý định tốt nhất, thì những gì họ nói và những gì họ có thể làm là khác nhau, làm cho nhân viên đặt câu hỏi về độ tin cậy của các thông điệp về chất lượng sản phẩm.
Việc tìm kiếm một thông điệp kết nối với tất cả các nhân viên là thực sự khó, đặc biệt với các doanh nghiệp toàn cầu với nhiều nền văn hoá khác nhau. Kết quả là, hầu hết các nhân viên chỉ được nghe thông điệp về chất lượng sản phẩm theo một chiều, chung chung trong khi đó xây dựng “văn hoá chất lượng” lại đòi hỏi một sự tập trung và phải là thông điệp cần gây tiếng vang trong mỗi nhân viên.
Vì vậy, trước tiên các nhà lãnh đạo nên thống nhất giữa những thông điệp họ đề ra và những điều họ làm được. Đồng thời nên có những thông điệp cụ thể và riêng biệt cho từng đối tượng và từng phân đoạn khác nhau của lực lượng lao động. Điều quan trọng cuối cùng là các doanh nghiệp nên tăng cường ý thức sở hữu và trao quyền cho nhân viên trong việc đảm bảo kết quả chất lượng.
Kết luận:
Ngày nay, một lực lượng lao động chất lượng bao trùm bởi giá trị cốt lõi mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp. Trong một thế giới không ngừng thay đổi, một nền văn hóa mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm hay dịch vụ được tạo nên bởi một lực lượng lao động năng động, hành động độc lập và ưu tiên chất lượng ngay cả trong những khoảnh khắc của áp lực nhất.
Để tạo ra một lực lượng lao động như vậy, các nhà lãnh đạo phải suy nghĩ sâu sắc việc thực hiện và duy trì một nền văn hóa của chất lượng. Một nền văn hóa thực sự của chất lượng là nơi mà trong đó nhân viên có đam mê về chất lượng như một giá trị cá nhân chứ không phải thực thi theo một mệnh lệnh cứng nhắc.
Để thực hiện nền văn hóa này, các tổ chức phải duy trì vai trò lãnh đạo đặt trọng tâm vào chất lượng sản phẩm hay dịch vụ trong thời gian tốt và xấu của doanh nghiệp, thiết lập một khuôn khổ chu đáo và đáng tin cậy, và tạo ra một môi trường nơi mà các nhân viên có những hành vi chất lượng.
Năng lực lãnh đạo là yếu tố tiên quyết để tạo nên nền văn hóa đó, đồng thời cũng là là yếu tố duy trì một doanh nghiệp hiệu quả. Khi được hỗ trợ đúng cách, một nền văn hóa của chất lượng sẽ tràn ngập tất cả các hoạt động kinh doanh trong tổ chức, tăng cường chất lượng sản phẩm dịch vụ từ đó nâng cao hình ảnh doanh nghiệp với người tiêu dùng.

'Văn hoá chất lượng': Yếu tố tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp (P.1)

'Văn hoá chất lượng': Yếu tố tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp (P.1)

Xây dựng “Văn hoá chất lượng” mang lại lợi ích cho doanh nghiệp về mặt chi phí, ước tính rằng một công ty với một nền văn hóa mạnh mẽ về chất lượng tiết kiệm 67 triệu USD/5.000 nhân viên.

Nội dung nổi bật:
- Một người không hài lòng với sản phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi mua hàng của nhiều người tiêu dùng tiềm năng khác, theo CEB 75% khách hàng qua hình thức thương mại điện tử quyết định mua sản phẩm qua thông tin truyền miệng bao gồm cả trên mạng xã hội.
- Việc xem chất lượng sản phẩm/dịch vụ là giá trị cốt lõi trong văn hoá doanh nghiệp là một trong những cách độc lập để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp ngoài các phương pháp quản lý truyền thống.
- Theo thống kê của CEB nếu một doanh nghiệp xây dựng được văn hoá chất lượng sản phẩm trước tiên họ sẽ giảm được hơn 45% lỗi về chất lượng và hơn 75% lỗi sản phẩm khi đến tay khách hàng so với việc duy trì hoạt động theo truyền thống.

Thời gian vừa qua, vấn đề “con ruồi” trong sản phẩm của Doanh nghiệp Tân Hiệp Phát trở thành mối quan tâm lớn của người tiêu dùng trên cả nước, và là vấn đề truyền thông nóng hổi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng. Phải thừa nhận rằng, truyền thông xã hội chính là một yếu tố góp phần đưa sự kiện này lên cao trào của sự chú ý.
Bài viết này không đề cập đến vấn đề của Doanh nghiệp Tân Hiệp Phát, song đây lại là một minh chứng rõ nét nhất cho “Văn hoá chất lượng” của sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp, một khái niệm mới – và là khái niệm cần thiết cho thành công của mọi doanh nghiệp được đưa ra bởi tổ chức CEB (Corporate Executive Board)
Cùng với sự phát triển của truyền thông xã hội, các doanh nghiệp ngày nay dễ dàng mắc phải “virus phản ứng” của người tiêu dùng. Các phương tiện công nghệ và truyền thông ngày càng trao quyền cho người tiêu dùng phản ánh sự hài lòng hay không hài lòng về sản phẩm của họ, theo CEB “26% người tiêu dùng cho biết họ đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để thể hiện sự bất bình về dịch vụ hay sản phẩm mà họ không hài lòng” bên cạnh đó, hình thức phản ánh chất lượng sản phẩm hay dịch vụ nội bộ với doanh nghiệp qua đường dây nóng gần như không còn được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng.
Một người không hài lòng với sản phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi mua hàng của nhiều người tiêu dùng tiềm năng khác, theo CEB 75% khách hàng qua hình thức thương mại điện tử quyết định mua sản phẩm qua thông tin truyền miệng bao gồm cả trên mạng xã hội.
Điều đó có nghĩa là hầu hết các công ty đang hoạt động trong một môi trường mà qua đó việc sai sót về chất lượng sản phẩm hay dịch vụ ngày càng trở nền trầm trọng. Từ đó, giải quyết vấn đề sai sót của sản phẩm hay dịch vụ sẽ dẫn đến lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp. Nghiên cứu của ECB cho thấy hình ảnh chất lượng mạnh mẽ của sản phẩm có mối tương quan đáng kể với quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Vì vậy mọi doanh nghiệp cần thay đổi quy trình hiện tại để đáp ứng mong đợi mới của thị trường.
Giá trị của “chất lượng hình ảnh” ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh
Thói quen mua hàng của khách hàng thương mại điện tử bởi thương hiệu yếu và mạnh thống kê bởi 3000 người tiêu dùng (ECB)
Việc xem chất lượng sản phẩm/dịch vụ là giá trị cốt lõi trong văn hoá doanh nghiệp là một trong những cách độc lập để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng doanh nghiệp ngoài các phương pháp quản lý truyền thống. Trong hai năm, CEB đã khảo sát rộng rãi hơn 63.000 nhân viên tại hơn 60 tập đoàn đa quốc gia và các ngành khác nhau để tìm ra phương pháp làm thế nào có thể tạo ra một nền “văn hóa chất lượng”. “Văn hóa chất lượng” được tạo nên bởi các hành vi có chất lượng của lực lượng lao động, từng bước thông qua, và cuối cùng trở thành một phần của quy trình vận hành tiêu chuẩn và trở thành chính sách của doanh nghiệp.
Trong một nền văn hóa chất lượng thật sự, các thành viên trong doanh nghiệp hành động để cải thiện chất lượng sản phẩm hay dịch vụ bởi vì chính bản thân họ nhìn thấy nó là một vấn đề quan trọng và cốt lõi.
Trong các doanh nghiệp đó,  nhân viên luôn nghe thấy những đồng nghiệp và quản lý của mình trao đổi về chất lượng của sản phẩm hay dịch vụ, cảm thấy chất lượng của sản phẩm là tất cả, nhìn thấy và nhận thấy mọi thành viên làm việc vì chất lượng sản phẩm, tập trung và truyền đạt những hành vi có lợi cho chất lượng sản phẩm đến những người khác.
Theo thống kê của CEB nếu một doanh nghiệp xây dựng được văn hoá chất lượng sản phẩm trước tiên họ sẽ giảm được hơn 45% lỗi về chất lượng và hơn 75% lỗi sản phẩm khi đến tay khách hàng so với việc duy trì hoạt động theo truyền thống.
Bên cạnh đó, xây dựng “Văn hoá chất lượng” cho doanh nghiệp mang lại lợi ích cho doanh nghiệp về mặt chi phí, ước tính rằng một công ty với một nền văn hóa mạnh mẽ về chất lượng tiết kiệm 67 triệu USD/5.000 nhân viên.
Tuy nhiên, nghiên cứu của CEB cũng chỉ ra rằng, khoảng 60% nhân viên được khảo sát đang làm việc trong những doanh nghiệp không hiểu rõ về “văn hoá chất lượng”. Vì vậy cải thiện hoạt động của doanh nghiệp theo tiêu chí đặt “văn hoá chất lượng” sản phẩm hay dịch vụ làm yếu tố cốt lõi là vấn đề đáng được quan tâm.
“Văn hoá chất lượng” yếu tố tiên quyết cho thành công của doanh nghiệp (P.2):  Làm thế nào để xây dựng “Văn hoá chất lượng”?

Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

7 cách hiệu quả để trở thành một nhà lãnh đạo thành công

Nếu như bạn đang là một lãnh đạo và mong muốn khả năng lãnh đạo của bạn tốt hơn thì đây là một vài lời khuyên để làm theo. Nếu bạn đang phấn đấu để trở thành một nhà lãnh đạo thành công thì những lời khuyên dưới đây lại càng trở nên hữu ích.
1.  Lắng nghe
Lắng nghe và biết cách lắng nghe là kỹ năng vô cùng cần thiết và quan trọng. Có khi ta phải mất cả đời để học cách lắng nghe.
Bằng cách này, bạn sẽ thúc đẩy cấp dưới của mình chia sẻ những ý tưởng của bản thân họ. Nhân viên của bạn sẽ cảm thấy họ có giá trị và được khích lệ để nỗ lực hơn rất nhiều. Họ sẽ có thêm động lực để làm việc và nâng cao hiệu quả công việc, và bạn thì có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo. Nếu những ý tưởng đó thật sự khả thi hãy chắc chắn rằng bạn sử dụng chúng.
 Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo thành công hãy cho nhân viên biết  họ có thể tự do đến và trao đổi với bạn bất kỳ lúc nào.
2. Gần gũi và hòa đồng
Thông thường, một nhà lãnh đạo ngồi trong văn phòng cả ngày và hiếm khi có thời gian để nói chuyện và lắng nghe các thành viên trong tập thể của họ.
Nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo thành công, cho nhóm của bạn biết rằng họ có thể tự do đến và trao đổi với bạn bất kỳ lúc nào trong ngày làm việc. Cho dù đó là một câu hỏi về công việc của họ, chia sẻ những ý tưởng mới, các vấn đề tại nơi làm việc hoặc các vấn đề cá nhân.
Hãy cố gắng lắng nghe và giúp đỡ họ nếu có thể. Bạn không cần phải trở thành người bạn tốt nhất của họ và không nhất thiết phải nghe những tin đồn, nhưng được tiếp cận nhiều hơn sẽ giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn.
3. Tìm một hình mẫu tuyệt vời
Mỗi người có một phong cách sống khác nhau và mỗi người lãnh đạo lại có những cách quản lý riêng. Tuy nhiên, bạn nên có một hình mẫu lý tưởng để phấn đấu và học theo cách mà nhà lãnh đạo đó đã đối phó với những khó khăn, thử thách cũng như cách mà họ đã thúc đẩy nhóm của họ.
Để trở thành một nhà lãnh đạo thành công không chỉ cần đến phẩm chất mà còn cần cả kỹ năng. Hãy chắc chắn là hình mẫu bạn chọn là người bạn có thể trò chuyện và xin ý kiến khi bạn gặp vấn đề.
4. Khen thưởng thành viên trong nhóm của bạn khi họ hoàn thành tốt công việc
Không khó để nói những lời ngợi khen như “Anh/chị làm tốt lắm”. Nếu thành viên trong nhóm của bạn hoàn thành tốt một việc nào đó, đừng quên khích lệ họ. Đó có thể chỉ là một email thân thiện, một cái vỗ nhẹ vào lưng, hay một cái bắt tay tình cảm. Làm như vậy, cấp dưới của bạn sẽ cảm thấy họ đang được đánh giá cao và sẽ không ngừng phấn đấu hơn nữa.
Nếu thành viên trong nhóm hoàn thành tốt công việc, đừng quên khích lệ họ. 
5. Đừng mập mờ
Hãy nhớ rằng bạn là một nhà lãnh đạo và bạn nên luôn luôn rõ ràng, đặc biệt là khi bạn cung cấp thông tin về nhiệm vụ, công việc mới. Hãy lên danh sách công việc từng tuần, nêu rõ công việc cần phải hoàn thành và thời gian khi nào. Nhân viên của bạn sẽ nắm rõ công việc được giao, có thời gian tập trung thực hiện và ít phải đặt câu hỏi hơn. Điều này cũng sẽ giúp ngăn ngừa rất nhiều hiểu lầm.
6. Hài hước, tạo cảm giác thoải mái
Thậm chí nếu bạn là một nhà lãnh đạo tốt, vẫn sẽ luôn có những ngày thật khó khăn. Đừng quá nghiêm trọng khi có điều gì đó sai trái. Điều quan trọng là làm thế nào để nó không tái diễn.
Thay vì chỉ trích, trách phạt hay nhắc đi nhắc lại lỗi lầm đó hàng ngày, hàng tuần nhân viên của bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng hơn nếu bạn đề cập đến nó một cách hài hước. Và chắc chắn họ sẽ chú ý để hoàn thành công việc tốt nhất có thể.
Duy trì sự hài hước, tạo cảm giác thoải mái cho mọi người trong nhóm là không dễ dàng, nhưng nó thực sự quan trọng với bất kỳ một nhà lãnh đạo muốn thành công nào.
7. Luôn tích cực
Nếu bạn có một thái độ tiêu cực về tất cả mọi thứ, bạn sẽ không bao giờ trở thành một nhà lãnh đạo thành công. Tích cực là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề và nó sẽ giúp bạn thúc đẩy nhóm của bạn làm việc tốt hơn và họ sẽ không cảm thấy bức bách trong công việc.
Thái độ tích cực trong công việc và cuộc sống cũng giúp bạn thấy yêu công việc, yêu cuộc sống, muốn cống hiến, sống có ích và hoàn thiện mình hơn.

Lời khuyên hữu ích của ông “vua thép” Andrew Carnegie

Lời khuyên hữu ích của ông “vua thép” Andrew Carnegie

“Hãy ngấu nghiến trong việc học và chắc chắn rằng những người khác cũng được lợi từ tài sản trí tuệ và tiền bạc của bạn.” Carnegie.

Nội dung nổi bật:
- Andrew Carnegie là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được nhiều người biết đến với biệt danh “Ông Vua Thép.”
- Theo tạp chí tài chính Forbes thì tới năm 2007 tài sản của ông là 298,3 tỷ USD. Vì thế, Carnegie được coi là người giàu thứ 2 trong lịch sử, xếp sau John D. Rockefeller.
- Sau khi bán công trình thép cho J.P. Morgan, ông dành phần đời còn lại của mình để tập trung vào các hoạt động công tác xã hội.
- Tiêu biểu là tài trợ cho thư viện, hòa bình thế giới, giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Andrew Carnegie được sinh ra tại thị trấn Dunfermline, Scotland và di trú tới Hoa Kỳ năm 1858. Từ những công việc đầu tiên là công nhân sản xuất ống chỉ, thợ thông nhà xí tới nhân viên điện báo và đường sắt Pittsburgh. Cuồi cùng ông mở ra công ty thép Carnegie, sau đó sát nhập vào vài công ty nhỏ khác để trở thành U.S Steel. Đây là một trong những công ty thép lớn nhất thế giới với lợi nhuận cao nhất trong nền kinh tế công nghiệp.
Là người bác ái và hảo tâm, Carnegie đã tài trợ rất nhiều cho thư viện sách sau khi bán công trình thép của mình. Theo tạp chí tài chính Forbes thì tới năm 2007 tài sản của ông là 298,3 tỷ USD. Vì thế, Carnegie được coi là người giàu thứ 2 trong lịch sử, xếp sau John D. Rockefeller.
Cũng giống Benjamin Franklin, ông cho rằng những người lãnh đạo là người đọc nhiều sách và rằng của cải được tạo từ kiến thức sâu rộng với tư duy tốt. Carnegie không được đi học đến nơi tới chốn, nhưng với niềm yêu thích đọc sách đã mang lại những kiến thức vô giá và tạo ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp thành công của ông.
Sau đây là những lời khuyên hữu ích của ông “vua ngành thép” Andrew Carnegie:
Đầu tư vào bản thân
Carnegie không thích việc đầu cơ trong thị trường tài chính. Ông nghĩ rằng một sự đầu tư tốt hơn là chọn một nghành nghề, học mọi thứ về nó và đầu tư cho việc kinh doanh của chính bạn.
Ông tin rằng con đường đúng đắn để đạt được thành công xuất sắc ở bất kể ngành nào là trở thành người thông thạo trong ngành đó. Carnegie không tin vào việc phân tán năng lượng cho quá nhiều thứ bởi nó khiến bạn mất tập trung. Sức mạnh của sự tập trung chỉ đến khi bạn hy sinh những thứ bạn có thể kiếm nhờ sự trải rộng để đạt một thị trường nhỏ hơn nhưng được xác định rõ ràng.
Thành công đến từ sự cởi mở và đối xử tốt với mọi người
Cũng như những gương thành công to lớn khác, Carnegie trước đây là một sinh viên học về bản tính con người. Biết rằng chuyển năng lượng một cách hiệu quả vào lực lượng lao động sẽ mang lại thành công. Cho nên, ông luôn tạo ra những mối quan hệ tốt với các nhân viên của mình và thường thưởng cho nhân viên thứ mà họ muốn trong chừng mực hợp lý.
Carnegie đã giúp nhiều nhân viên của ông trở nên giàu có. Ví dụ điển hình là ông trả cho giám đốc nhà máy Charles Schwab một triệu đô la một năm. Số tiền lớn này không phải trả cho chuyên môn kỹ thuật của Charles mà cho khả năng động viên, thúc đẩy nhân viên tuyệt vời của Charles Schwab.
Hãy kiểm soát tâm trạng của bạn
“Một tâm trạng vui vẻ đáng giá hơn cả gia tài. Người trẻ nên biết rằng tính tình có thể được trao dồi. Và tinh thần cũng như thân thể có thể chuyển từ bóng tối ra ánh sáng.”  Câu nói trên của Carnegie đã tóm lược hàng trăm sách về tự giúp bản thân và bí quyết thành công. Cho nên, việc kiểm soát tâm trạng nên được xem là bước khởi đầu để vươn tới đỉnh cao sự nghiệp của mỗi người.
Nói trước công chúng thật ra chỉ là nói
Carnegie có hai nguyên tắc khi nói trước đám đông:
  1. Nói với người ta, chứ không phải nói về họ.
  2. Hãy là chính bạn, đừng cố gắng trở thành một “người diễn thuyết”.
Ghi nhớ lời khuyên này của Carnegie và bạn sẽ không cần phải theo một lớp học nói đắt tiền nào. Cần phải bổ sung rằng để là chính bạn. Bạn phải bỏ thời gian để tìm hiểu bạn là ai và bạn đang đại diện cho điều gì. Diễn thuyết là nói ra một từ như cách bạn muốn nó như vậy. Nói chuyện cần xuất phát từ trái tim và luôn luôn thành thật.
Đặt kiến thức và giá trị lên trên tiền bạc
Vào một buổi tối năm 1868 lúc ông được 33 tuổi. Carnegie viết một ghi nhớ cho bản thân mình khi đang ở khách sạn St. Nicholas ở New York. Ông bắt đầu cuốn ghi nhớ rằng “ba mươi tuổi và thu nhập 50.000 USD một năm” và nói rằng ông có thể tổ chức công việc kinh doanh để có thể kiếm được cùng số tiền đó mỗi năm. Trong khi đó, ông sẽ dành số tiền dư ra cho các mục đích từ thiện.
Suy nghĩ sâu xa hơn, Carnegie có ý định nghỉ hưu lúc 35 tuổi và từ đó trỏ đi sẽ dành thời gian đọc sách và nghiên cứu. Dĩ nhiên ông đã không làm như vậy, nhưng qua việc này chúng ta thấy mầm mống của lòng bác ái của ông. Carnegie nói rằng kiến thức có được từ việc đọc và nghiên cứu biểu trưng cho một giá trị thực. Một cuộc sống tốt là phải thực sự rộng mở đầu óc. Chỉ có tiền bạc thì không có giá trị gì.
Đi du lịch để mở mang kiến thức
Carnegie rất thích đi du lịch, đặc biệt khi có một chút phiêu lưu và thôi thúc người khác quan sát thế giới nhiều hơn. Trong từng chuyến đi, ông cố gắng tìm hiểu về văn hóa từng vùng ông đi qua. Chẳng hạn khi đến Trung Quốc ông đọc về Khổng Tử và đến Ấn Độ ông tìm hiểu về Phật Gíao. Sự tôn trọng dành cho các tôn giáo là đặc trưng cho sự cởi mở tiếp thu của Carnegie. Đi thăm những vùng đất mới sẽ giúp con người đánh giá tốt hơn về cái tổng thể

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

5 lợi ích của thất bại

5 lợi ích của thất bại

Thua cuộc, bị từ chối, bị bác bỏ là những trạng thái tồi tệ chẳng ai muốn trải qua trong đời. Tuy nhiên, nó là những “cánh cổng” mà bất kỳ ai cũng phải bước qua trên đường tìm kiếm vinh quang.

Đừng để thất bại nghiền nát bạn. Thất bại là một phần của thành công nên chẳng lạ gì khi nó mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như:
1. Là động lực để ta chứng tỏ bản thân
Nam tài tử Harrison Ford khi mới khởi nghiệp diễn viên đã bị một đạo diễn đánh giá là “không có tố chất gì để nổi tiếng” và chỉ nhận được những vai quần chúng nhỏ trong phim. Có giai đoạn ông buộc phải chuyển sang làm thợ mộc để kiếm tiền nuôi gia đình nhưng vẫn thường xuyên đến các buổi casting diễn viên.
Sự kiên trì cộng với một chút may mắn, ông giành được vai chính trong Star War 1977, và trở thành một trong những nam diễn viên được yêu mến nhất cho đến hôm nay.
2. Khiến ta thêm sáng tạo
Năm 1919, Walt Disney xin được một chân vẽ biếm họa cho tờ báo Kansas City Star nhưng sau đó bị sa thải vì theo biên tập viên quản lý thì ông “thiếu sự tưởng tượng và chẳng có ý tưởng gì mới mẻ”. Đoạn kết của câu chuyện, chắc chắn mọi người đã biết.
3. Khiến ta làm việc chăm chỉ hơn
Michael Jordan, ngôi sao bóng rổ Mỹ từng tâm sự: “Việc không vào được đội Varsity khiến tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa ở mỗi trận đấu. Thất bại cũng dạy tôi rằng, nếu tôi đặt ra mục tiêu và phấn đấu hết mình vì nó, tôi sẽ được trả công xứng đáng”.
4. Giúp ta hiểu rõ bản thân
Đôi khi bạn không biết mình có những khả năng gì cho đến khi thất bại. Vera Wang từng rất thất vọng khi không vào được đội tuyển Olympic trượt băng nghệ thuật của Mỹ. Sau đó, bà đành chuyển sang làm biên tập viên thời trang, rồi nhanh chóng được thăng chức vượt cấp, trở thành tổng biên tập và sau đó, bắt đầu sự nghiệp thiết kế áo cưới ở tuổi 40.
5. Mở rộng hiểu biết, tăng thêm kinh nghiệm
Thời trẻ, Henry Ford nổi danh trong ngành kinh doanh ô tô vì những thất bại liên tiếp. Nhưng rốt cuộc ông cũng tìm được một đối tác tin tưởng vào mình, và Ford đã chứng tỏ ông học được những kiến thức quý giá từ những sai lầm của mình khi Ford Motor mãi mãi thay đổi ngành công nghiệp ô tô nói riêng và công nghiệp tự động hóa nói chung với dây chuyền sản xuất của mình.